Di tích Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc - Bảo vật quốc gia

- Tại gò Khuôn Khoai, thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) còn lưu giữ một hiện vật quý, đó là tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.

Toàn cảnh Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá).

Tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, được đặt trên lưng một con rùa đá. Bia khắc bằng chữ Hán, trán bia trang trí hình rồng, mây, có dòng chữ lớn: Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (nghĩa là bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc). Với giá trị lịch sử, văn hoá to lớn, năm 1998 Di tích bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xếp hạng Di tích quốc gia; năm 2013, được công nhận Bảo vật quốc gia.

Người soạn bia là Lý Thừa Ân, sống dưới hai triều Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) và Lý Thần Tông (1128-1137) làm quan với chức Triều thỉnh đại phu, Thượng thư viên ngoại lang. Văn bia được soạn theo lệnh của Hà Di Khánh, là nhân vật (Thái phó) được nhắc đến trong bia. Bên cạnh phần giáo lý đạo Phật, nội dung bia nói về gia thế của dòng họ Hà từng 15 đời làm làm Châu mục châu Vị Long (tức huyện Chiêm Hoá ngày nay), hai người làm quan đến chức Thái bảo và Thái phó. Một trong hai người đó là Hà Di Khánh.

Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá).

Nơi đặt bia còn dấu tích của chùa, một công trình kiến trúc khá lớn. Chùa được dựng tại đồi có rừng mây và thông (bia chùa còn ghi rõ “Phát xén rừng mây, hoa thông xanh tốt”). Chùa được làm bằng cột gỗ khai thác ngay tại địa phương. Chùa được lợp bằng ngói mũi. Nền nhà, sàn, bậc thềm, đường đi của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được lát bằng gạch dài 40cm, rộng 22cm, dày 6cm. Tháp đất nung còn tìm thấy ở khu vực chùa là hiện vật đặc trưng của nền mỹ thuật thời Lý.

Bia đá là nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.

Về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, bia Bảo Ninh Sùng Phúc chứng minh sự giao lưu văn hoá rộng rãi giữa miền núi và miền xuôi. Đồng thời cũng cho thấy địa vị độc tôn và sự phát triển rộng khắp của Phật giáo triều Lý.

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá).

Về giá trị nghệ thuật, bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Bia đá giúp các nhà nhiên cứu so sánh, đối chiếu và khẳng định thêm về trình độ sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ tinh tế trong xây dựng kiến trúc, trang trí, tạo hình Đại Việt. Minh văn còn là một di sản quý báu. Với hơn một ngàn một trăm chữ, văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc do Lý Thừa Ân biên soạn là một tác phẩm văn học hay, cô đọng, súc tích, thể hiện rõ văn phong đặc trưng của thời Lý.

Đặc biệt, tháng 12-2023 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đối với Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Như vậy, Bia và Chùa bảo Ninh Sùng Phúc không chỉ là báu vật, di tích quốc gia cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, mà còn trở thành điểm du lịch văn hoá, du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục