Đáp ứng tối đa nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm

- Theo tính toán của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 vừa qua đã làm thiệt hại 10% giá trị sản lượng lương thực của tỉnh. Để bù đắp giá trị đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu thực phẩm của người dân từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và người nông dân đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, khôi phục sản xuất, giữ ổn định sinh kế cho người dân.

Tập trung vào các cây, con có lợi thế

Làm xong giàn cho vườn dưa chuột xuống giống hồi tháng 9, bà Phạm Thị Lý, thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) lại bắt tay ngay vào làm tiếp 2 sào đất để chuẩn bị xuống giống dưa đợt 2. Vừa gom đất lên cao thành luống, vừa hướng mắt về ruộng dưa xanh mởn đang bước vào thời kỳ leo giàn, bà Lý cho biết: 20 ngày nữa trà dưa sớm sẽ cho thu hoạch. Thu xong trà dưa sớm, quay lại thu trà dưa muộn này. Vụ đông năm nay gia đình bà tận dụng tối đa diện tích trồng dưa. Cũng chính vì mở rộng diện tích do vậy bà Lý tính toán kỹ lưỡng, thay vì trồng đại trà, bà Lý trồng gối vụ, để đảm bảo giữ được giá trị kinh tế, giảm áp lực về chăm sóc, thu hái. Với giá dưa như hiện nay là 7.000/kg, 1 sào dưa của gia đình sẽ cho thu khoảng 5 - 6 triệu đồng. Với nguồn thu này chắc chắn bù đắp được thiệt hại do bão số 3 gây ra cho gia đình.

Người dân xã Đức Ninh (Hàm Yên) trồng cây cà chua cho lợi nhuận kinh tế cao.

Giáp ranh với xã Trung Yên, nhiều nông dân xã Tân Trào cũng tận dụng tối đa diện tích đất để phát triển cây trồng vụ đông. Theo báo cáo của UBND xã Tân Trào, diện tích ngô lấy hạt, ngô sinh khối, dưa, rau đậu tăng 10 - 15% so với năm 2023. Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã cho biết: 100% diện tích ngô đông của xã đều đã được trang trại chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh hợp đồng để thu mua nên bà con rất yên tâm đầu tư để mở rộng diện tích.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, các gia trại, trang trại cũng đã thực hiện linh hoạt trong kế hoạch sản xuất. Có một điểm chung đó là chủ các gia trại, trang trại tập trung vào các loại con có chu kỳ sinh trưởng ngắn, nhanh chóng bù đắp thiệt hại sau thiên tai, đảm bảo ổn định sinh kế đồng thời phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Anh Lã Quý Cảnh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cho biết: Nếu như những năm trước HTX chăn nuôi cả gà trống, gà mái thì năm nay chỉ tập trung vào đàn gà trống. Theo anh Cảnh, gà trống không những lớn nhanh, thịt ngọt, nhu cầu thị trường dịp cuối năm của mặt hàng này lại tăng rất cao, khoảng 4 - 5 lần nên rất thuận lợi khi tiêu thụ.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn gia cầm thời điểm này ở mức khoảng 7 triệu con,  tăng khoảng 3 - 5% so với thời điểm tháng 6-2024. Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản lý giải: Sau thiên tai người dân tập trung khôi phục sản xuất, đối tượng vật nuôi này đáp ứng các yêu cầu về thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị kinh tế cao. Hơn nữa đây cũng là vật nuôi thị trường cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán tiêu thụ mạnh. Để đảm bảo cho đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, Chi cục đang đề nghị các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở để giám sát, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tiêm đầy đủ vắc xin tạo hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp.

Đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất

Sau khi bão số 3 qua đi, người dân ở các địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Bà con đã linh hoạt trong sản xuất, tận dụng tối đa diện tích đất để trồng cấy cây màu vụ đông để bù đắp thiệt hại do thiên tai. Nhiều cánh đồng đã được phủ xanh bởi ngô, rau, đậu lạc; các trang trại, gia trại đã khôi phục lại đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp, khôi phục đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, Sở đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ theo quy định của pháp luật để người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong hệ thống ngành dọc, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Trung tâm Khuyến nông tăng cường cán bộ về cơ sở hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, trang trại chuyển đổi cây trồng phù hợp; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông 2024 linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng, nguồn lực, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu tập trung vào các lĩnh vực, các sản phẩm còn dư địa phát triển (ngô sinh khối; rau, đậu các loại...). Đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng cung cầu của thị trường đồng thời bù đắp sản lượng bị sụt giảm do ảnh hưởng của thiên tai. Trên cơ sở đó, tăng cường thực hiện các mối liên kết sản xuất, chủ động liên hệ, tìm nguồn tiêu thụ nông sản ổn định để định hướng chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có sự tham gia của doanh nghiệp vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững góp phần hoàn thành tăng trưởng ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024.

Theo đồng chí Phạm Hữu Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương: Ngoài kế hoạch phát triển cây vụ đông đã triển khai từ trước đó, mới đây huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát lại, lên danh sách những hộ có nhu cầu giống cây trồng để huyện hỗ trợ bổ sung. Hiện tại huyện đang thực hiện hỗ trợ các giống ngô: LVN 99; NVN 4, HT119, NK4300, CP511; hỗ trợ các loại giống rau xanh với mức hỗ trợ là 18 kg hạt giống ngô/ha với ngô và 5,6 kg hạt rau/ha rau.

Đến  giữa tháng 11, đã có trên 13.400 ha cây vụ đông đã được gieo trồng, trong đó trên 8.000 ha ngô lấy hạt, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc, đạt 143% kế hoạch, trên 3.700 ha rau xanh, ngoài ra còn nhiều diện tích khoai, lạc và một số loại cây trồng khác. Hiện tại diện tích cây vụ đông đang phát triển rất tốt, một số diện tích cây trồng vụ đông trà sớm đã cho thu hoạch như: Dưa chuột, rau xanh, đậu đỗ…

Với tốc độ khôi phục sản xuất như hiện nay, chắc chắn ngành Nông nghiệp sẽ đảm bảo mục tiêu giá trị, sản lượng, đáp ứng đủ nguồn thực phẩm cung ứng thị trường từ nay đến cuối năm, hơn hết giữ ổn định thu nhập cho người nông dân.        

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục