Đất cằn nở hoa

- Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Trần Văn Tú ở thôn Ao Sen 1, xã Đức Ninh (Hàm Yên) đã cải tạo khu đất đồi cằn cỗi, ruộng trũng kém hiệu quả thành khu vườn trù phú. Sau bao năm vất vả, ông đã được hưởng thành quả ngọt từ khu vườn cây trái với bưởi, hồng xiêm, cây ba kích tím mang lại thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Vườn ba kích tím của ông Trần Văn Tú được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Không lùi bước trước khó khăn

Năm 1988, sau hơn ba năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận tỉnh Hà Giang, cựu chiến binh Trần Văn Tú xuất ngũ trở về quê hương. Ông cải tạo 1,5 ha vườn chè cỗi, ruộng thụt ở thôn 20, xã Đức Ninh. Tuy nhiên, cả khu đều là đất sỏi bạc màu, thường bị khô hạn nên bài toán khó là chọn trồng cây gì cho hiệu quả. Một lần tình cờ xem trên ti vi thấy nhiều mô hình trồng cây ba kích mang lại kinh tế cao. Từ gợi ý đó, ông đã lặn lội đi tham quan cách trồng ba kích ở tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Nhận thấy đây là cây khá phù hợp với khu đất gia đình nên ông đã đặt mua giống về trồng. Vạn sự khởi đầu nan, ông Tú mua 10.000 cây giống (giá 3 nghìn đồng/cây) về trồng. Nhưng do thiếu kiến thức, số cây giống bị chết nhiều, cho ông bài học đắt giá.
Ông Tú nhớ lại: “Chỉ sau vài tháng trồng, cả khu vườn ba kích trở nên tiêu điều, cây giống chết quá một nửa. Nguyên nhân cây giống chết là do bị ngập úng, khô hạn, phần bị còi cọc do thiếu dinh dưỡng. Khi ấy, vợ con, anh em dòng họ khuyên nên phá bỏ chuyển đổi trồng cây khác. Lúc đó, tôi chỉ biết động viên vợ con cứ quyết tâm là sẽ thành công”. 

Ông Trần Văn Tú cho biết, một gốc ba kích tím có thể cho 4 kg củ tươi sau 3 năm nếu được chăm sóc tốt.

Không dừng bước trước khó khăn, ông Tú tiếp tục mạnh dạn bỏ thêm vốn mua thêm cây giống ba kích về trồng dặm lại số cây bị chết. Ông mua phân chuồng để bón lót tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển và tự mày mò, thiết kế lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ khu vườn. Tiếp theo, ông làm giàn để ba kích leo lên, vừa dễ chăm sóc, hạn chế dây bị nấm, sâu bệnh.

Cùng với đó, ông quy hoạch lại vườn trồng xen giữa ba kích thêm 160 gốc bưởi và 150 gốc hồng xiêm.

Thành quả ngọt ngào

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn của gia đình, ông Tú hồ hởi chia sẻ, cây bưởi và hồng xiêm đã cho thu hoạch sang năm thứ hai, cho thu từ 50 - 200 triệu đồng/năm. Riêng cây ba kích tím trồng theo nhiều đợt nên suốt từ 3 năm qua, mỗi năm ông bán từ vài tạ đến vài tấn củ, giá bán từ 120 - 180 nghìn đồng/kg. Vừa qua, ông vừa thu hoạch xong 5 sào ba kích tím, tổng được 5 tấn củ tươi, giá ổn định 130 nghìn đồng/kg. Củ ba kích tím trồng đến đâu bán hết đến đó, không có đủ để bán.

Thực tế, ông Tú bán giao cho những bạn hàng khắp cả nước để sử dụng vào việc ngâm rượu ba kích phục vụ các nhà hàng. Do sản lượng ba kích chưa đủ để ký hợp đồng với các công ty dược liệu. Ông Tú nhẩm tính, ba kích trồng mà chăm sóc tốt sau 3 năm là thu hoạch được. Tổng chi phí thâm canh 1 sào ba kích từ 20 - 30 triệu đồng và thu về 1 tấn củ ba kích tươi. Với giá hiện nay, người nông dân thu lãi 80 - 100 triệu đồng/sào. Chỉ cần giá từ 50 nghìn đồng/kg củ tươi là người trồng đã có lãi. Trồng cây ba kích tím hiệu quả kinh tế hơn các cây trồng khác. Ưu điểm của trồng ba kích tím, không áp lực về đầu ra trong thời điểm ngắn vì thời gian thu hoạch quanh năm, nhưng thường từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau. Đặc biệt, cây ba kích tím càng để lâu, củ càng to, giá trị dược liệu và kinh tế càng cao.

    Mỗi dịp thu hoạch ba kích, ông Trần Văn Tú thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương.

ừ thành công đó, tháng 3-2021, ông Tú đã thuê đất để trồng thêm 6 sào ba kích tím tại thôn Lĩnh, xã Đức Ninh. Cựu chiến binh Hoàng Văn Loan, thôn 3 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) là bạn đồng ngũ, được ông Tú hỗ trợ trồng ba kích tím xen với vườn cam, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Loan vui mừng cho biết, qua 3 năm trồng, gia đình đang thu hoạch ba kích. Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, ông Tú còn đang giúp gia đình tiêu thụ củ ba kích. Năm nay, gia đình sẽ có Tết ấm no, dự kiến sẽ thu về trên 50 triệu đồng từ bán củ ba kích.

Ông Hà Tân Dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Ninh tự hào: “Cựu chiến binh Trần Văn Tú, chi hội thôn Ao Sen 1 là tấm gương sáng về tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không nản trước khó khăn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tú còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung cấp giống ba kích chất lượng và hỗ trợ tiêu thụ cho nhiều bạn đồng ngũ và người dân có nhu cầu phát triển cây dược liệu đầy tiềm năng này”.

Phóng sự: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục