Đường về Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương).
Đất lành chim đậu
Bà Hoàng Già Rèn, 75 tuổi, là người Nùng đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này hóm hỉnh kể cho chúng tôi nghe bằng giọng nói còn lơ lớ. Bà chỉ tay về phía vườn rừng đang cho thu hoạch của nhà mình rồi bảo: “Năm 1979, bà cùng gia đình di cư từ Hà Giang về mảnh đất Minh Thanh sinh sống. Bà hiểu được mảnh đất này rất màu mỡ nhưng vẫn còn hoang sơ. Vì vậy cần có sự chăm chỉ thì mới biến nó trở nên trù phú. Bà xác định đây sẽ là quê hương thứ hai để gia đình an cư lập nghiệp”.
Sau gia đình bà, có thêm hai gia đình nữa là gia đình ông Giàng Lao Rưởi và gia đình ông Sèo Lao Vân cũng tìm đến an cư ở vùng đất này. Ông Rưởi quay sang nhìn bà Rèn với ánh mắt rất trìu mến như một lời cảm ơn bà đã “mở” cho gia đình ông con đường đi đúng nhất. Ông Rưởi hồ hởi nói, những ngày đầu khi mới về đây, khó khăn chồng chất khó khăn. Ông cùng mọi người chặt nứa, tre làm nhà tạm để ở. Ban ngày cùng nhau dồn sức để khai hoang đất, tối đến lại cùng nhau bên bếp lửa, ăn cơm, bàn chuyện làm ăn. Sau những vụ sắn, ngô, lúa, họ lại vun trồng thêm rau màu, nuôi con lợn, con gà… Mỗi tuần đồng bào Nùng lại cùng nhau chở sắn, ngô, lúa, con lợn, con gà ra phiên chợ xã đổi lấy lương thực, thực phẩm. Cuộc sống vất vả nhưng họ cùng nhau đoàn kết, ai đến trước giúp những người đến sau trồng lúa, trồng ngô. Chỉ vài năm, những hộ còn “lạ nước lạ cái” đã tự đứng vững trên chính đôi chân mình.
Đến nay, toàn thôn Ngòi Trườn có 39 hộ với 195 nhân khẩu. Bà Rèn bảo, mặc dù là nhà ai người đó ở, nhưng vài ngày mọi người lại cùng nhau quây quần, ai có gì ngon đều mang đến để cùng mọi người ăn uống chia sẻ cho nhau những câu chuyện hay về làm kinh tế. Ở Xín Mần, mọi người sống ở nhiều xã của huyện, nhưng về đến Ngòi Trườn mọi người luôn coi nhau như anh em một nhà.
Ngòi Trườn thay áo mới
Đi trên con đường bê tông sạch sẽ, ngắm nhìn những đồi chè bát ngát chồi non xanh biếc hứa hẹn một mùa bội thu, đồng chí Chu Thị Thanh Nga, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Trườn phấn khởi chia sẻ: Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, người Nùng ở Ngòi Trườn được tiếp cận với thông tin nghe nhìn, cuộc sống người Nùng đã được “thay áo mới”. Có điện, người dân mua nhiều giá trị vật dụng có giá trị, trẻ con được tới trường, tới lớp; người ốm được đưa đi viện cứu chữa, điều trị, nhiều tập tục lạc hậu bãi bỏ... Qua bình xét năm 2021, toàn thôn có 96% hộ đạt gia đình văn hóa. Chi bộ nhiều năm đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Gia đình chị Tại Gia Trà, thôn Ngòi Trườn xã Minh Thanh (Sơn Dương) phát triển kinh tế trồng rừng.
Gia đình chị Tải Gia Trà là một trong những hộ có kinh tế khá của thôn, gia đình chị đang khẩn trương xây dựng nốt phần phụ ngôi nhà sàn để chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần. Chị Trà chia sẻ, sinh sống trên mảnh đất này hơn 35 năm, vất vả qua rồi, giờ chỉ tập trung để làm kinh tế, nuôi dạy con cái nên người. Nhà chị liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương trồng 5 ha rừng sản xuất, nuôi 2 con trâu, canh tác 7 sào ruộng, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Được biết, mỗi hộ trong thôn trung bình có từ 2-3ha rừng chủ yếu là keo lấy gỗ, nhiều hộ trong thôn cũng có kinh tế khá, giàu nhờ trồng rừng. Đến nay, toàn thôn có 85% hộ có mức thu nhập khá, giàu; thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm. Thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.
Bằng nguồn vốn Chương trình 135, thôn được đầu tư xây dựng 2km đường bê tông với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tháng 5-2020, bà con dân tộc Nùng được xây dựng trạm biến áp 100KVA, tổng trị giá 3,2 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ. Có điện và có con đường mới, bà con nơi đây đã thuận tiện hơn trong đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa. Người dân tích cực chỉnh trang nhà ở, thôn xóm sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Hoàng Văn Kính, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Trước đây, đường sá đi lại khó khăn lắm, muốn ra xã phải đi bộ 7km, toàn đường rừng, leo qua những đoạn đèo dốc quanh co, đường lầy lội mất cả buổi. Ánh sáng thì dùng đèn dầu, hoặc nhà nào sang hơn thì dùng bằng bình ắc quy nên không ai nghĩ đến việc xem ti vi, hay mua đồ dùng bằng điện. Bây giờ, có đường được làm rộng, thông thoáng, chúng tôi muốn đi ra xã, ra huyện, lên tỉnh loáng một tý là tới nơi. Nhà nhà có tiền, có điện nên cả thôn nhà nào cũng có ti vi, xe máy, nhiều người mua được máy móc hiện đại lắm. Chúng tôi biết được cuộc sống xung quanh còn nhiều điều hay, mình nên học hỏi để làm kinh tế, dạy con thành người có ích cho xã hội”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Trang Thắng, Phó Chủ tịch HĐND xã Minh Thanh cho biết đổi thay lớn nhất ở thôn Ngòi Trườn đó là nhận thức của người dân đã chuyển biến tích cực, nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương. Nhiều hộ trong thôn có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được đến trường.
Đồng bào dân tộc Nùng, thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh, (Sơn Dương) gìn giữ nghề nhuộm chàm.
Đặc biệt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng vẫn được người dân nơi đây bảo tồn và giữ gìn như: dệt vải, nhuộm chàm, thêu trang phục dân tộc và các làn điệu hát giao duyên, hát lượn, hát Sli. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, người Nùng tới nhà nhau chúc Tết và tổ chức hát Sli. Những câu hát vang lên thể hiện niềm vui cũng như sự tự hào, phấn khởi của mỗi gia đình khi có khách tới chơi nhà.
Rời Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương), chúng tôi vẫn còn nghe mãi câu hát Sli của người dân nơi đây: “Mới bước vào nhà/Chủ nhà đã rót nước, rót chè mời/Vào uống rượu chúc mừng gia chủ/Xua hết những điều không may của năm cũ/Chúc cho năm mới phát tài, phát lộc, vạn sự bình an”, họ đã và đang góp phần cùng người dân Minh Thanh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết