Ông Mohammad Mahmoud Al Khajah, Đại sứ đầu tiên của UAE tại Israel, đến để trình giấy ủy nhiệm
với Tổng thống Reuven Rivlin tại Jerusalem ngày 1-3-2021. Ảnh: GPO
Tháng 9-2020, các nỗ lực lâu năm của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố vị thế của Israel tại khu vực cũng như đoàn kết các nước vùng Vịnh nhằm đối phó với Iran đã dẫn đến một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử, được biết đến dưới tên gọi Hiệp định Abraham.
Sau đó, Israel đã mở đại sứ quán tại thủ đô của UAE, và vào cuối tháng 6, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã khánh thành Tổng lãnh sự quán tại Dubai. Ông Lapid coi việc tái hợp là một "thời điểm lịch sử" và là thời điểm "chúng tôi chọn hòa bình thay vì chiến tranh". Bằng việc ký tham gia hiệp định, UAE và Bahrain đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia Do Thái này. Tiếp đến, Maroc và Sudan cũng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.
Đổi lại thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Trump cam kết bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE, song thương vụ đã bị chính quyền Mỹ mới tạm dừng.
Trong khi UAE và Bahrain nhấn mạnh rằng việc khôi phục quan hệ với Israel sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của họ đối với chính nghĩa của người Palestine, chỉ vài tuần sau khi hai quốc gia vùng Vịnh trên ký Hiệp định Abraham, họ đã cắt giảm đáng kể tài trợ cho cơ quan Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine.
Việc các quốc gia thề ủng hộ người Palestine trong nhiều thập kỷ qua quyết định bình thường hóa với Israel đã bị chính quyền Palestine chỉ trích gay gắt.
Gửi phản hồi
In bài viết