Dấu ấn ẩm thực Uzbekistan

Uzbekistan là một trong những quốc gia có nền ẩm thực phong phú nhất Trung Á với truyền thống ẩm thực của các dân tộc định cư và du mục đã tồn tại qua hàng thế kỷ.

Pilaf

Pilaf (hay palov) là món cơm thập cẩm truyền thống mà hầu hết người Uzbek đều có thể chế biến. Món ăn này được làm từ những nguyên liệu đơn giản, gồm: Cơm, thịt, gia vị, cà rốt và hành tây. Pilaf là món ăn hằng ngày và không thể thiếu trong các dịp đặc biệt của người Uzbek. Cơm thập cẩm Uzbekistan có từ thời cổ đại, đến nay đã phát triển với hơn 100 công thức. Văn hóa và truyền thống nấu pilaf của Uzbekistan đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016.

Thịt nướng shish

Đây là món ăn phổ biến ở Uzbekistan, là loại thịt mềm, được ướp đúng cách với gia vị và dùng xiên nướng trên bếp cho tới khi chín nhưng vẫn phải bảo đảm độ mọng nước (shish) bên trong và chín vàng bên ngoài. Nguyên liệu chế biến món này là thịt cừu thái lát (Dumba), gan bò kebab (Dzhigar kabob), thịt gà BBQ, Beshpanja (được tạo hình trên 5 xiên cùng lúc) hay Charvi kabob (thịt phủ mỡ tan chảy)... Tuy nhiên, món thịt nướng shish được yêu thích nhất là Kiyma shish kebab làm từ thịt băm với lớp vỏ giòn và bên trong chín mềm.

Salad

Salad là món ăn bổ dưỡng không thể thiếu trong bữa ăn của người Uzbek, đặc biệt là món salad truyền thống Achchik - Chuchuk gồm cà chua Yusupov (loại cà chua màu hồng, vị ngọt, nhiều thịt, trọng lượng lên tới 800gram/quả), hành tây, củ cải Bulgaria và ớt đắng. Salad Achchik - Chuchuk ngon nhất khi để lạnh và ăn kèm với cơm thập cẩm nóng hoặc thịt nướng shish. Vào mùa lạnh, người Uzbek thích chế biến món salad từ củ cải margilan với hạt lựu; còn salad củ cải Bulgaria với trứng, rau thơm và kem chua được dùng vào mùa xuân.

Bánh mỳ dẹt

Người Uzbek vẫn giữ truyền thống mang theo bánh mỳ dẹt - biểu tượng của lòng tốt và hạnh phúc, khi đến thăm người thân. Để làm ra một mẻ bánh mỳ dẹt, ngoài nguyên liệu chọn lọc thì khâu nướng bánh rất quan trọng. Bánh phải được nướng trong tandoor - lò nướng hình trụ, cổ hẹp, được phủ bằng đất sét trộn với rơm lúa mỳ và muối, các bức tường bên trong được bôi trơn bằng dầu bông nhằm ngăn vụn bột dính vào tường. Trước khi nướng bánh mỳ dẹt, người ta đốt than để làm nóng tandoor, sau đó phun nước lên tường, gắn bánh mỳ lên trên và đóng chặt lò, nướng cho tới khi bánh chín.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục