Nhìn lại những kết quả công tác CCHC năm 2020 của tỉnh với nhiều tín hiệu tích cực, thứ hạng về các chỉ số về CCHC, năng lực cạnh tranh của tỉnh đều tăng. Chỉ số CCHC của tỉnh (PAR INDEX) tiếp tục đà tăng điểm tiến thêm 3 bậc, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 33 bậc so với năm 2015); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2015); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 85,81% (tăng 21,66% so với năm 2015). Kết quả trên cho thấy công tác CCHC tiếp tục có những chuyển biến tích cực góp phần quan trọng để Tuyên Quang xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc đúng với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Người dân làm thủ tục tại Bộ phận “Một cửa” của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Ảnh: Quốc Việt
Với tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ, UBND tỉnh đã cụ thể hóa nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác CCHC. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có những sáng kiến hiệu quả về CCHC, tiêu biểu như: Sở Nội vụ cùng với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và ứng dụng phần mềm khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, qua đó “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh tới các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các đơn vị thi đua, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. Sở Giao thông vận tải thực hiện việc in ấn và trả giấy phép lái xe trong ngày; hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Sở Tư pháp ứng dụng thực hiện có hiệu quả Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp; triển khai thí điểm phần mềm thống kê ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. UBND huyện Na Hang thực hiện thí điểm chuyển trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện sang trụ sở của Bưu điện huyện. UBND huyện Lâm Bình thực hiện niêm yết các thủ tục hành chính phát sinh thường xuyên tại các Nhà Văn hóa thôn, bản trên địa bàn huyện...
Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo CCHC”, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực trong công tác cải cách TTHC. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm thời gian giải quyết TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan đến người dân và doanh nghiệp như thuế, kho bạc, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng,... Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết đối với 958 TTHC, thời gian cắt giảm đạt bình quân trên 30%. Trong đó, một số lĩnh vực giảm từ 50% đến 83% thời gian giải quyết so với quy định như: Đấu thầu cấp huyện giảm từ 50% - 83%; tư pháp giảm từ 40% - 77%; tài nguyên và môi trường giảm từ 30% - 59,3%; đầu tư kinh doanh giảm từ 30% - 50%...
Bên cạnh việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thì các cơ quan, đơn vị thực hiện 72 TTHC được đơn giản hóa thủ tục thành phần. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% TTHC toàn tỉnh đã được cập nhật, đăng tải trên Hệ thống dịch vụ hành chính công - Một cửa điện tử của tỉnh với 2.068 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 1.331 dịch vụ công mức độ 1, 2; có 683 dịch vụ công mức độ 3 và có 54 dịch vụ công mức độ 4.
Tại các Bộ phận “Một cửa”, người dân được phục vụ, giải quyết nhanh gọn các TTHC một cách tận tình, chu đáo hạn chế tối đa thời gian đi lại. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ phụ trách các lĩnh vực ở Bộ phận “Một cửa” ngày càng được nâng cao. Với những nỗ lực trong công tác cải cách TTHC đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận của người dân mỗi khi tới cơ quan công quyền thực hiện giải quyết TTHC, không còn cảnh gây khó khăn, chậm trễ mà bằng tinh thần, thái độ phục vụ chu đáo, nhiệt tình tạo thuận lợi cho người dân.
Trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không để chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn không vượt quá số lượng phòng, ban, chi cục. Đồng thời tỉnh tiến hành thí điểm hợp nhất các cơ quan tương đồng về chức năng nhiệm vụ. Đến nay, 107 đầu mối thuộc các cơ quan, tổ chức hành chính so với năm 2015 giảm 205 lãnh đạo quản lý. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo đúng tinh thần một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ. Sau sắp xếp giảm 43 đơn vị, giảm 147 đầu mối, giảm 261 lãnh đạo, quản lý. Toàn tỉnh có 36 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, tăng 16 đơn vị so với năm 2015.
Trong cải cách thể chế, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng kế hoạch, đảm bảo đúng quy định. Có 880 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành được cập nhật trên “Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Tuyên Quang” đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc tra cứu các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, góp phần công khai, minh bạch văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Tỉnh đã hoàn thành chuẩn hóa TTHC và danh mục TTHC hơn 2.000 thủ tục, đồng thời công bố công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC và trên Cổng thông tin điện tử.
Những dấu ấn từ CCHC của tỉnh đạt được trong năm 2020 đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó cũng là nền tảng và động lực để tỉnh tiếp tục cải cách, đổi mới nền hành chính, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong lộ trình xây dựng Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết