Trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt các văn bản có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Sở chủ động huy động sự tham gia ý kiến của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã vào quá trình xây dựng và ban hành văn bản, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp, nhân dân trước khi gửi hồ sơ thẩm định; tổ chức đại diện doanh nghiệp tham gia. Thông qua các hoạt động tham gia lấy ý kiến, thẩm định, kiểm tra, rà soát đã kịp thời phát hiện và kiên quyết loại bỏ các quy định không phù hợp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp ngay từ khâu soạn thảo. Qua đó tạo tính công bằng, minh bạch và môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như: Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2025, triển khai thực hiện giải pháp giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tham mưu ban hành 25 văn bản, kế hoạch có nội dung liên quan đến phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức khảo sát 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chất lượng các hoạt động hỗ trợ pháp lý và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp. Qua đó tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả hơn. Năm 2020 có 29 nội dung vướng mắc về pháp luật của doanh nghiệp đã được Sở Tư pháp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong năm qua Sở Tư pháp đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh triển khai nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tạo thuận lợi để Hiệp hội tham gia ý kiến vào các dự thảo nghị quyết, văn bản QPPL. Công tác hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng dẫn áp dụng các văn bản QPPL để giải quyết các vướng mắc đã giúp cho các doanh nghiệp tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc. Sở Tư pháp là đơn vị nhiều năm đứng tốp đầu bảng xếp hạng DCI, điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với các giải pháp nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2020, Sở Tư pháp đã kiểm tra 37 đề xuất xây dựng quyết định văn bản QPPL, thành lập 11 Hội đồng tư vấn thẩm định các nghị quyết, văn bản của HĐND và UBND tỉnh. Qua thẩm định đã loại bỏ 13 nội dung, 2 thủ tục hành chính, chỉnh sửa 240 nội dung, 10 chính sách có nội dung không phù hợp, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tích cực triển khai công tác cập nhật văn bản QPPL lên “Cơ sở dữ liệu văn bản QPPL tỉnh Tuyên Quang”. Đến nay đã có 992 văn bản QPPL được cập nhật, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tra cứu, góp phần công khai, minh bạch hệ thống văn bản QPPL của tỉnh.
Sở đã tăng cường thực hiện công khai, minh bạch thông tin, thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Hiện nay, Sở Tư pháp có 142/142 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó 43 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 69 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%, trong đó gần 60% giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ năm 2014 đến nay, 6 năm liền Sở Tư pháp là đơn vị dẫn đầu các sở, ban, ngành trong thực hiện công tác CCHC, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết