Dấu ấn tín dụng chính sách trên hành trình giảm nghèo

- Bám sát lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh, bền vững.

Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang được triển khai với 18 chương trình tín dụng tại 138 điểm giao dịch các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng được chú trọng ưu tiên triển khai thực hiện tại những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành các chương trình mục tiêu của tỉnh đề ra.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình nắm tình hình về hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của người dân thị trấn Lăng Can.

Đồng chí Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định, vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự trở thành “chìa khóa” cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình hộ nghèo. Mặt khác, chỉ đạo Phòng Giao dịch các huyện chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Đến 29-6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 3.572 tỷ đồng, với 94.762 số lượt hộ vay vốn, tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa...

Gia đình chị Đỗ Thị Bình, thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Chị Bình cho biết, năm 2018, chị được Hội LHPN xã và tổ tiết kiệm vay vốn thôn tuyên truyền, chị đã vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi lợn. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, đến nay, gia đình chị luôn duy trì đàn lợn 50 con, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 10 con, trừ chi phí gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2021, gia đình chị thoát nghèo, cuộc sống từng bước được cải thiện và nâng cao.

Năm 2019, gia đình bà Lê Thị Hoạt, thôn Tiên Hóa 1, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là hộ nghèo được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa mua 1 cặp trâu sinh sản. Đến cuối năm 2021, trâu đẻ 2 nghé con, vừa rồi gia đình bán 2 con trâu giống thu hơn 30 triệu đồng. Cùng với số tiền từ các nguồn kinh tế khác, gia đình có điều kiện xây dựng nhà mới, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Chương trình cho vay ưu đãi tín dụng chính sách đã thật sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân hàng năm đạt từ 3% đến 4%, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục