Đầu mối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân

- Trước thực trạng nông sản của người dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Thời gian vừa qua, Bưu điện tỉnh đã kết nối với các ngành, các địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), na Lực Hành, nhãn Thái Bình (Yên Sơn). Đồng thời, hướng dẫn nông dân cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Theo bà Phạm Thúy Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Bưu điện tỉnh, với vai trò là doanh nghiệp bưu chính công ích duy nhất trên địa bàn, Bưu điện tỉnh đã đề xuất với các cơ quan chức năng tại tỉnh tham gia hỗ trợ trực tiếp nông dân tiêu thụ nông sản qua các kênh truyền thống như trực tiếp thu gom, mua hàng; đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu từ Tuyên Quang đi các tỉnh, thành phố và ngược lại.

Đặc biệt, đối với việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh đã tăng cường bố trí nhân viên đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để tư vấn, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn Postmart. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 15 sản phẩm nông nghiệp của các đơn vị đã lên sàn thương mại điện tử Postmart. Trong đó có các sản phẩm nổi tiếng như mật ong của HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang); cam sành Hàm Yên của Công ty Cam sành Hàm Yên; chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (TP Tuyên Quang...

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới lượng tiêu thụ chè của HTX, sau khi được tư vấn của nhân viên Bưu điện tỉnh, anh đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ và đưa 7 sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử Postmart. Qua đánh giá, lượng tiêu thụ các sản phẩm chè của HTX đã tăng lên, từ ngày sản phẩm lên sàn đến nay (7-8), bình quân mỗi ngày HTX nhận từ 10 đến 15 đơn hàng, mỗi đơn hàng từ 2 đến 3 kg chè khô. 

Bưu điện tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19.

Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) cho biết, trong thời kỳ công nghệ 4.0, đưa nông sản tiếp cận sàn thương mại điện tử là cách làm tốt. Anh hy vọng sàn Postmart là công cụ hữu hiệu để kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng. 

Với sự vào cuộc kịp thời của Bưu điện tỉnh làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho người dân có ý nghĩa hết sức to lớn. Điều này không chỉ phát huy vai trò của đơn vị bưu chính trong việc chung tay cùng hệ thống chính trị đồng hành, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn mà còn thể hiện tấm lòng sẻ chia của doanh nghiệp trên địa bàn tiếp sức để bà con nông dân vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục