Bên cạnh những doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp giữ vững vị thế, tạo điểm sáng giữa đại dịch.
Công ty cổ phần Công nghệ KTS Tuyên Quang ra đời đúng trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Với ưu thế của một doanh nghiệp công nghệ, đơn vị này tận dụng chính những bất lợi của đại dịch để phát triển. Chị Trần Thị Huệ, Giám đốc công ty cho biết, hiện đơn vị đang tập trung vào mảng xây dựng hệ thống website thông minh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời với việc phát triển ứng dụng bán hàng qua Internet.
Công ty cổ phần Công nghệ KTS Tuyên Quang hoạt động bình thường trong mùa dịch nhờ tận dụng lợi thế công nghệ thông tin.
Sau gần một năm làm quen, nắm bắt thị trường và... bù lỗ, 3 tháng gần đây, Công ty cổ phần Công nghệ KTS Tuyên Quang thu đã bắt đầu đủ bù chi, dù số thu vẫn khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Hàm Yên, Yên Sơn, TP Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận như Yên Bái đã chủ động kết nối với doanh nghiệp để được cung cấp hỗ trợ giải pháp quản lý thông minh từ hệ thống website và phần mềm bán hàng do đơn vị cung cấp.
Việc thay đổi thói quen quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hợp tác xã... đang dần thay đổi khi đại dịch làm xáo trộn mọi thói quen giao dịch, Công ty cổ phần Công nghệ KTS là một trong những doanh nghiệp “biến nguy thành cơ”, tận dụng cơ hội để bứt phá. Hiện nay, đơn vị này cũng đang phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Tuyên Quang xây dựng và phát triển một sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó, nỗ lực lớn nhất là đưa tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch, để kết nối với người tiêu dùng khắp đất nước.
Bên cạnh đó, để sống tốt giữa mùa dịch, nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực tìm kiếm thị trường mới bằng mọi cách “khơi thông” hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để công nhân đào tạo ra mà không có đủ việc làm.
Công nhân Công ty TNHH Seshin VN2, Khu công nghiệp Long Bình An sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh nằm trên địa bàn xã Phúc Ứng (Sơn Dương) hiện có trên 1.000 công nhân. Bà Hoàng Thị Hoan, Giám đốc Công ty cho biết, tại nhiều địa phương Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhưng các doanh nghiệp ở Tuyên Quang, trong đó có Phúc Sinh may mắn khi vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung bình mỗi tháng, đơn vị hoàn thành trên 140 nghìn đôi giày xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU và Đông Nam Á. Đây là con số kỷ lục kể từ khi thành lập công ty đến nay. Nhờ thế, 1.000 công nhân của đơn vị vẫn có việc làm đều, mức lương duy trì trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, ngoài các đơn hàng của đơn vị đã ký kết hợp đồng từ trước, Phúc Sinh nhận gia công cho một số nhà máy ở các tỉnh “vùng đỏ” để sản xuất các đơn giày thể thao xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mặc dù dịch bệnh, nhưng Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2, khi đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tạo việc làm cho trên 5.000 lao động nữa. Thời điểm này, đơn vị đang tập trung tuyển dụng và đào tạo lao động.
Cơ hội của Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh cũng là cơ hội của nhiều doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày da trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Công thương, trong 8 tháng, riêng ngành may mặc xuất khẩu đạt trên 14 triệu sản phẩm, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, ngoài sự ổn định từ các đơn hàng đã ký hợp đồng từ năm trước, các doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày da trong tỉnh nhận gia công, hoặc nhận đơn hàng chuyển sang từ các doanh nghiệp ở các tỉnh vùng dịch để sản xuất.
Ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền, như giãn, giảm tiền thuế, hỗ trợ tín dụng… thì chính việc chủ động xoay chuyển, tìm kiếm những cách làm mới đã giúp doanh nghiệp Tuyên Quang dần thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết