Tháng 5-2004, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tuyên Quang tiến hành một cuộc điều tra khảo cổ ở huyện Hàm Yên. Qua khảo sát 17 hang tại 3 xã Bạch Xa, Yên Phú, Minh Dân đã phát hiện được một số di tích thuộc thời đại đồ đá; đặc biệt phải kể đến hang Đá Đen tại thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú.
Đây là một trong số ít địa điểm cổ sinh quan trọng ở vùng núi phía bắc nước ta. Tại Đá Đen, đã phát hiện một lớp trầm tích màu xám sẫm dày 1,2m, có khối lượng gần 10m3, được tạo thành ngay trên lưng chừng vách hang, chứa nhiều xương răng động vật hóa thạch. Những hóa thạch này đều nằm trong một khối trầm tích đồng nhất. Nền hang khá bằng phẳng, đã bị san làm nơi tránh bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là một hang động karst (núi đá vôi) nhỏ nằm ở dãy núi Đá Đen, được hình thành cách đây ít nhất hàng chục triệu năm.
Khu vực hang Đá Đen tại huyện Hàm Yên.
Hang Đá Đen nằm cách Quốc lộ 2 khoảng 500m về phía đông, gần như đối diện với hang Tiên - một danh thắng nổi tiếng trong vùng - qua một thung lũng rộng, cao hơn mặt thung lũng 8m. Cửa hang quay về hướng bắc chếch tây. Hang có một buồng, diện tích khoảng hơn 20m2, trần hang thấp. Đây là một di chỉ cổ sinh vật quan trọng thuộc thế Cánh Tân, chứa các hóa thạch tiêu biểu của thời kỳ này.
So sánh quần động vật hang Đá Đen với một số quần động vật ở miền Bắc Việt Nam và Đông Nam Á, bước đầu đưa lại những nhận thức mới về quần động vật Cánh Tân muộn ở Việt Nam trong mối liên hệ với các quần động vật đương đại trong khu vực.
Tại hang Đá Đen, đã tìm thấy hóa thạch răng pong go (pongidae) và voi răng kiếm (stegodon orientalis). Đây là những hóa thạch quý giúp chúng ta nhận thức về diện hình của quần động vật ở nước ta trong bước chuyển từ Cánh Tân sang Toàn Tân. Đây là quần động vật đặc trưng cho môi trường sinh thái nhiệt đới nóng ẩm.
Hóa thạch răng người khôn ngoan sớm (Homosapien) ở Đá Đen chứng tỏ trên mảnh đất Tuyên Quang, ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã có con người sinh sống.
Hang Đá Đen là một di tích cổ sinh quý, có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu nguồn gốc con người trên đất nước ta và những diễn biến của môi trường trong thời Tiền sử ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Hang Đá Đen - nơi phát hiện một số di tích thuộc thời đại đồ đá.
Dấu tích thời đại Đá cũ trên thềm cổ sông Lô vùng Hàm Yên
Ở sườn và chân các đồi hình bát úp, tại xã Bạch Xa và Yên Phú, huyện Hàm Yên có vỉa cuội. Trong đó, có những viên cuội có hình dáng rất đẹp, cầm vừa tay, nhưng chất liệu phần lớn là quarz (thạch anh), không phải là loại đá mà cư dân thời Tiền sử thường dùng để chế tạo công cụ. Với loại đá này, những nhát ghè của cuội bị vỡ vụn mà không tạo thành lưỡi sắc. Vì vậy, ở đây có nhiều cuội, nhưng công cụ cuội ghè đẽo lại rất hiếm.
Trong đợt khảo sát vào tháng 5-2004, đã phát hiện được 5 công cụ trên gò Gốc Kheo thuộc thôn Đồn Bầu, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Nguyên đây là bậc thềm sông cổ (thềm bậc II), tạo thành gò lớn nằm ở bờ trái sông Lô, cao hơn mặt nước sông hơn 20m, cách sông khoảng 200m về phía tây. Những công cụ này tìm thấy trên bề mặt gò, không có di vật khác kèm theo. Phần lớn di vật đều phủ một lớp patin dày, chứng tỏ chúng đã bị chôn vùi lâu dưới đất và chính hoạt động canh tác đã làm xuất lộ chúng. Năm công cụ đá, gồm: 3 công cụ ghè đẽo thô và 2 mũi nhọn.
Những di vật trên đều là những công cụ lao động của người Tiền sử; được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ. Những công cụ cuội ghè đẽo ở gò Gốc Kheo có tuổi xa nhất được phát hiện trên đất Tuyên Quang.
(Còn nữa)
Thảo Linh
(Theo Địa chí Tuyên Quang)
Gửi phản hồi
In bài viết