Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thự hiện nghi lễ khởi công xây dựng công trình đường liên kết vùngHoaf Bình- Hà Nội (Ảnh: TRẦN HẢI)
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng với chiều dài tuyến 49,02 km.Đoạn 1 có chiều dài tuyến 31,47 km, điểm đầu tuyến giao với đường nội thị thị trấn Bo (Kim Bôi), điểm cuối tuyến lý trình kết nối với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tại nút giao liên thông.
Đoạn 2 chiều dài tuyến 17,55 km, điểm đầu tuyến lý trình giao đường Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình tại phường Kỳ Sơn (thành phố Hòa Bình), điểm cuối tuyến tại phạm vi nút giao IC2 - quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đoạn Hòa Bình - Mộc Châu).
Thử tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự buổi lễ
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) không chỉ tạo trục kết nối giữa khu vực Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi các địa phương trong vùng, mà còn góp phần mở rộng không gian, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Mục tiêu của dự án là hình thành trục giao thông liên thông kết nối các vùng, giúp rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội – Thành phố Hòa Bình - Kim Bôi, tăng cường khả năng kết nối, giao thương các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình - Phú Thọ - Sơn La với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia thông qua các tuyến đường hiện trạng và dự kiến đầu tư xây dựng. Tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch tại huyện Kim Bôi nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, thu hút khai thác các quỹ đất chưa sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từng bước hoàn thiện tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo quy hoạch.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tỉnh quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đột phá về hạ tầng; nỗ lực chuẩn bị để khởi công công trình này; mong muốn sau lễ này, các đơn vị bắt tay vào khẩn trương triển khai thi công.
Thủ tướng đề nghị các chủ thể tập trung nghiên cứu, cùng thực hiện: lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các cấp uỷ đảng, chính quyền trên tuyến đường đi qua cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
Thủ tướng cho rằng, thiết kế của tuyến đường này chưa ổn; đoạn đường này thiết kế 2 làn xe mà vận tốc 80km/giờ, thì nên xem xét lại; tổng mức đầu tư cũng cần xem xét lại; thời gian thi công là 5 năm, mỗi năm giải ngân 300 tỷ đồng thì liệu đã hợp lý chưa? Kinh nghiệm cho thấy càng thi công kéo dài càng đội vốn; nghiên cứu lại tiến độ thi công, nỗ lực giải ngân mỗi năm ít nhất 500 tỷ đồng để rút ngắn thời gian thi công chỉ còn 3 năm. Các cấp chính quyền tỉnh Hoà Bình, các nhà tư vấn phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này, tất cả vì nước vì dân; đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, điều chỉnh lại toàn bộ công việc cho phù hợp, tiết kiệm, khả thi, hiệu quả.
Về đoạn 2 - đường nối cao tốc Sơn La (Hoà bình – Mộc Châu), Thủ tướng cho rằng, đoạn này phải làm cao tốc ra cao tốc, không nên có thuật ngữ “tiền cao tốc”; quy hoạch phải tổng thể, tư duy toàn diện, đúng là đường cao tốc ra cao tốc, nguồn lực có đến đâu làm đến đó. Vì vậy, đoạn thứ 2 phải làm cao tốc đúng nghĩa, tốc độ thiết kế 100km/giờ; Bộ Giao thông vận tải phải hướng dẫn chỗ này; tuyến đường này phải có đường gom, đường tránh, không nên “dở dang giữa cao tốc và đường bình thường”.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại cách làm của các đơn vị tư vấn; đề nghị các chủ thể liên quan đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm rồi thì phải cố gắng hơn nữa để rà soát: lãnh đạo tỉnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương thì nhận thức đúng, nhưng không khoán trắng cho Ban Quản lý dự án. Ban quản lý là Ban quản lý dự án theo đúng luật, quy định; còn tỉnh phải chỉ đạo công trình, phải cử một đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách công trình này, xem xét lại các vấn đề của dự án, kiểm tra, đôn đốc.
Thủ tướng cũng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường cũng chưa nói rõ; theo Thủ tướng, riêng công tác này, cả hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị phải vào cuộc, vận động, thuyết phục nhân dân, riêng Ban quản lý dự án không thể thực hiện một mình; làm việc này thì tư tưởng phải thông, nỗ lực phải lớn, quyết tâm phải cao mới làm được.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu tính toán lại thời gian thi công, hạn chế đội vốn; tính toán lại công tác giải phóng mặt bằng, phân công một đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách việc này. Tỉnh Hòa Bình phải tự lo, tự làm trong công tác giải phóng mặt bằng vì đây là công tác quyết định của dự án; yêu cầu mỗi người phải có trách nhiệm vì công việc chung mới giải quyết công việc thuận lợi.
Để biến tiềm năng của tỉnh thành nguồn lực, Hòa Bình phải quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm cho người dân. Do đó Thủ tướng mong bà con nhân dân đoàn kết, thống nhất với chính quyền để giải quyết thỏa đáng việc di dời, tái định cư với tinh thần bà con đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; lãnh đạo tỉnh phải đi sâu đi sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Đối với Ban quản lý dự án, cần phát huy hết tinh thần trách nhiệm, lăn lộn với công trình, kiểm điểm tiến độ từng tuần, không được tham nhũng, tiêu cực. Hòa Bình có truyền thống làm Thuỷ điện Hòa Bình, sự đóng góp của nhân dân Hoà Bình di dời nhường chỗ cho Nhà máy; nhiều người đã hy sinh khi thi công công trình này. Do đó tỉnh cần vận động bà con phát huy truyền thống, di dời nhường đất cho dự án; tháo gỡ những khó khăn cho nhà thầu, nhân dân nơi dự án đi qua, muốn vậy phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đối với các nhà thầu, Thủ tướng yêu cầu đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải bảo đảm hiệu quả "cân, đong, đo, đếm" được; vướng đến đâu gỡ đến đó, tập trung nguồn lực, con người, máy móc, 3 ca 4 kíp; thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, tránh lãng phí, tiêu cực; thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Đối với Bộ Giao thông vận tải cần rút kinh nghiệm, lãnh đạo, chỉ đạo các công trình: quy hoạch phải tổng thể, đổi mới có tư duy chiến lược, tầm nhìn xa, xuyên suốt; đầu tư đoạn nào dứt điểm đoạn đó; hạn chế kéo dài thời gian thi công; tránh việc bị lãng phí khi vừa hoàn thành công trình giao thông xong lại phải tính tới mở rộng; đã làm phải đúng tiêu chuẩn hiện đại. Bộ phải bám sát công việc các tỉnh để tham vấn, tư vấn, làm tốt công tác quản lý nhà nước; đối với các vấn đề kỹ thuật thì phải đưa ra tiêu chuẩn, quy định, quy trình để các nhà thầu thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu đã làm là phải được, nhân dân nhường đất cho dự án thì phải thấy công trình hoàn thành; phải nỗ lực lớn hơn nữa thì công việc này mới thành công; các công trình xây dựng cơ bản mà càng kéo dài thi công thì càng đội vốn, phát sinh nhiều vấn đề. Thủ tướng tin tưởng với nỗ lực vì nhân dân phục vụ, tỉnh Hòa Bình sẽ trở thành điểm sáng về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực, nguồn cảm hứng cho sự phát triển, tất cả vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết