Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực. Hòa Bình đã ổn định diện tích canh tác các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường cả nước biết đến như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá, tôm hồ sông Đà,…
Với mục tiêu phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, Hòa Bình chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho vùng Tây Bắc trong đó có tỉnh Hòa Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha; đang đề nghị mở rộng Khu Công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1000ha, bổ sung thêm 3 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp nằm ở các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nên các nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Hiện nay, tỉnh đã và đang kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, quý vị đại biểu, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế, trong nước lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình và những thành tích, kết quả phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tình hình quốc tế và trong nước thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, có tầm nhìn xa, trông rộng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh các luồng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển mạnh mẽ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các yếu tố cơ sở hạ tầng cần thiết gắn với hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nắm bắt cơ hội, đón các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đến làm ăn lâu dài, hiệu quả, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Để làm được việc này, chúng ta phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát hiện ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn thách thức tồn tại cần giải quyết. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; hạ tầng giao thông kết nối được với vùng và khu vực; cải cách thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế; kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững, góp phần hóa giải những vướng mắc, thách thức của nền kinh tế, của tỉnh, môi trường, xã hội, tập trung vào ngành mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; phải xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, không tiêu cực, tham nhũng, có trình độ, phẩm chất, uy tín; phải giữ được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phải cầu thị, khiêm tốn lắng nghe ý kiến đóng góp trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình phải phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa để thực hiện tốt, đi lên từ nội lực, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.
Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu làm tốt quy hoạch, thực hiện quy hoạch đúng quy hoạch, nhanh chóng lập quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh, quy hoạch nguồn nhân lực, sử dụng đất, khoa học công nghệ; huy động tối đa mọi nguồn lực kể cả Nhà nước, tư nhân, nguồn lực khác; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông chiến lược để kết nối Hòa Bình với quốc tế, thực hiện đầu tư tuyến đường cao tốc bộ Hòa Bình-Mộc Châu, nâng cấp tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình, các tuyến đường kết nối Thanh Hóa… trên tinh thần có trọng tâm, trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, sử dụng các hình thức BOT, BT, PPP.
Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên, phát triển vùng động lực; hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, bảo đảm sự cân bằng, ổn định; lựa chọn ngành nghề phát triển để tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như nước khoáng Kim Bôi; chính sách ưu đãi ở đây phải cao hơn để thu hút nhanh, tạo xung lực mới. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chính quyền điện tử; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, vi phạm quy định; chú trọng kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp.
(Ảnh: TRẦN HẢI)
Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường vận động, tuyên truyền nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết; nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù phù hợp; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; chú trọng phương thức doanh nghiệp trực tiếp đào tạo tại chỗ kết hợp với thu hút chuyên gia giỏi từ trong, ngoài nước; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và kỹ năng nghề; phát triển hình thành một trường đại học, thu hút giáo viên giỏi về giảng dạy.
Chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số, tận dụng sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, nông thôn sinh thái, nông dân văn minh, coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, góp phần giảm lạm phát, công nghiệp hóa nông nghiệp.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, nhất là về thương mại và thu hút đầu tư. Tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hòa Bình cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; qua đó góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi nhanh và phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm công ăn việc làm và chỗ ở cho người dân, theo đó, chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, công nhân, có chính sách cho cả nhà đầu tư và người mua nhà, từ đó tạo động lực tăng trưởng, phát triển bất động sản.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước xác định rõ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, hai bên cùng thắng; đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; nói đi đôi với làm, đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có hiệu quả; hết sức tránh kiện cáo, làm mất niềm tin hai bên; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng; làm tốt công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo. Đối với các bộ, cơ quan Trung ương, Thủ tướng yêu cầu phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Hòa Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các các doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cùng với nhà đầu tư. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Hòa Bình huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước để Hòa Bình tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm, lựa chọn Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng là điểm đến đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững.
* Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Hòa Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng vốn trên 47 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).
Gửi phản hồi
In bài viết