Khởi sắc sau đầu tư
Tân Thượng là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lương Thiện (Sơn Dương) với 79 hộ, 98% dân tộc Dao sinh sống. Từ năm 2022 đến nay, từ các chương trình, dự án như: Chương trình 135; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi… người dân đã được hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa; kinh phí xây dựng 2,6 km đường giao thông nông thôn; 13 téc chứa nước sạch; trên 700 tấn phân bón thâm canh sản xuất chè… Nhờ đó, đời sống kinh tế, xã hội ở Tân Thượng đạt được kết quả khả quan.
Đồng chí Triệu Văn Đoan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thượng cho biết, nhờ được đầu tư mà đồng bào Dao ở đây đã có nhà văn hóa khang trang, đường sá đi lại thuận tiện. Hiện Tân Thượng còn 25/79 hộ nghèo. Dù còn nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất nhưng bà con nơi đây rất đoàn kết, giúp đỡ nhau và đặt trọn niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Từ năm 2022 đến nay, đồng bào Dao ở Tân Thượng đã đóng góp trên 270 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông; hiến trên 1.000 m2 đất làm đường liên thôn. Hiện thôn có 12 ha chè, 340 ha rừng trồng keo, bạch đàn, có 1 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.
Hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Sơn được đầu tư giúp người dân đi lại thuận tiện.
Con đường bê tông đi vào nơi ở của gần 20 hộ dân và trên 30 ha đất sản xuất của nhân dân thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đang được hoàn thiện và sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay. Đồng chí Đinh Thị Xuân Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, tuyến đường dài gần 1 km, rộng 3,5 m, trị giá đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Bà con tại Khe Đảng rất phấn khởi. 14 gia đình có tuyến đường đi qua đã tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến trên 800 m2 đất để công trình thi công đúng thời hạn và tiến độ đề ra.
Anh Lý Văn Minh, dân tộc Dao, thôn Khe Đảng chia sẻ, những năm trước bà con nuôi lợn, trâu, bò, trồng được nhiều ngô, lúa nhưng khó bán, vì đường đi rất khó khăn. Giờ được nhà nước đầu tư con đường bê tông rộng đẹp, việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con sẽ thuận lợi. Có con đường mới sẽ thúc đẩy bà con chăn nuôi, trồng các loại cây lương thực và trồng rừng; trẻ em đi học cũng thuận lợi.
Tạo đòn bẩy phát triển
Thời gian qua, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Một trong những dự án thành phần quan trọng được tỉnh khẩn trương triển khai là dự án 4: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2022 - 2023, tỉnh đã phân bổ 171.641 triệu đồng (vốn đầu tư) để xây dựng 290 công trình hạ tầng các loại; thực hiện duy tu 71 công trình hạ tầng đã được đầu tư trong giai đoạn trước; kiên cố trên 699 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn…
Đồng bào các DTTS đã tích cực tham gia xây dựng hạ tầng giao thông thông qua hình thức tự nguyện hiến đất, trực tiếp đóng góp hàng nghìn ngày công, vật liệu... Qua đó nâng số xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa từ 134 xã năm 2019 lên 138 xã vào năm 2024, đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh cũng đã huy động 1.080 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh; hạ tầng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành 192 km đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng 45 cầu trên đường giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với nguồn lực từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, diện mạo vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã và đang thay đổi mạnh mẽ, qua đó tạo đòn bẩy phát triển cho vùng đồng bào DTTS.
Gửi phản hồi
In bài viết