Phối cảnh sân bay Sapa.
Sân bay mở toang cánh cửa ra khu vực
Tại buổi Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 11/10, theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sân bay nhỏ, về cơ bản nếu được đầu tư sẽ mang lại cơ hội tiếp cận, mở đường cho sự phát triển của các địa phương. Trong đó, kết nối hàng không tạo điều kiện để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ông Vịnh cũng đặt ra vấn đề phát triển như thế nào để bảo đảm hiệu quả tổng hợp. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm rõ, khái niệm thế nào là sân bay nhỏ vì muốn định vị chính sách thì phải định nghĩa rõ ràng; phương thức đầu tư do Nhà nước hay tư nhân, hay hợp tác công-tư (PPP)? Trong đó, hiệu quả đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành sẽ quyết định việc đầu tư.
“Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước thiếu hụt nên hạn chế sử dụng nguồn lực đầu tư sân bay, điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Đây là quyết định, hướng đi đúng, tạo hiệu quả cho các sân bay”, ông Vịnh gợi mở.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lâu nay sân bay chỉ Nhà nước mới được làm vì là an ninh quốc phòng, tư nhân hoàn toàn bị loại ra khỏi, nhưng, sân bay Vân Đồn được đánh giá bước thay đổi quan trọng. Tư nhân được làm những công trình như vậy có tính chất bước ngoặt, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để thay đổi tư duy phát triển hàng không.
“Các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Việc có sân bay còn giúp các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông mở ra nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới”, ông Thiên nhấn mạnh.
Khẳng định phát triển sân bay là nhu cầu chính đáng, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho hay, trong nhiều trường hợp muốn khai thác tiềm năng, trong trung hạn kết nối về hàng không là khả thi nhất, hiệu quả nhất trong khi vốn đầu tư ít hơn đường bộ.
Là công ty thiết kế và quy hoạch sân bay, ông Mick Werson, chuyên gia kinh tế trưởng và Tư vấn tài chính của Công ty tư vấn sân bay Hà Lan đánh giá những sân bay nhỏ không chỉ có chức năng như một trung chuyển trực tiếp cho các sân bay lớn trong mạng lưới tối ưu hóa vận tải mà còn là sân bay dự phòng chiến lược trong trường hợp các sân bay lớn bị quá tải.
Bên cạnh chức năng kết nối, các sân bay nhỏ khi được quản lý hợp lý có thể tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp về lợi nhuận cho các nhà khai thác và nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch phát triển, tạo nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Trả lời về quan điểm cho rằng các sân bay theo định nghĩa cần phải được đặt cách xa nhau và các sân bay nằm gần nhau là một sự lãng phí đầu tư, ông Mick Werson cho rằng, nhiều sân bay có thể cùng tồn tại gần nhau và khi cạnh tranh lành mạnh góp phần tạo ra trạng thái cân bằng hoạt động và có những tình huống không như vậy.
Minh bạch nhằm tránh để địa phương ấm ức
Là địa phương đã động thổ Cảng hàng không Sapa tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng theo hình thức PPP, ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, nhiều khách du lịch từ phía nam hay các doanh nghiệp nước ngoài đều đặt câu hỏi tại sao Lào Cai chưa có sân bay?
Đây là vấn đề trăn trở của lãnh đạo tỉnh khi lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh theo từng năm (năm 2010 có 800.000 khách, năm 2019 đón 5,2 triệu khách) nên đầu tư sân bay là rất cần thiết với địa phương để kết nối không gian giữa các vùng kinh tế lớn.
“Để triển khai đầu tư, Lào Cai đã nỗ lực dùng ngân sách của tỉnh làm công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư. Nguồn vốn còn lại huy động từ nhà đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng việc đầu tư hạ tầng giao thông trong nội tỉnh và khu vực để tạo điều kiện phát triển. Từ đó, nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng, lợi thế, tính toán về hiệu quả kinh tế-xã hội mới đến đầu tư sân bay”, ông Hài nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội quả quyết lợi ích sân bay không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế có lỗ hay lãi mà còn có lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp từ phát triển kinh tế-xã hội nên quyết định bổ sung vào quy hoạch, hay ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ quan thẩm quyền cần nhìn tổng thể, không chỉ nhìn vào mỗi dự án cụ thể.
Ông Hiếu kiến nghị khi quyết định phát triển một dự án hàng không thì các địa phương nên tham vấn từ sớm các chuyên gia về hàng không và nhà đầu tư xây dựng cụm cảng hàng không. Các địa phương cần tính toán kỹ, thực chất về việc đầu tư sân bay để giảm thiểu tối đa những rủi ro; trong đó cự ly giữa các sân bay tỉnh, thành chỉ là một trong các yếu tố để cân nhắc chứ không phải là yếu tố loại trừ.
“Bài toán vĩ mô hơn là quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện nay đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng cần phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép đồng thời sẽ không bị ấm ức.
Quy hoạch cần sớm thông qua để địa phương căn cứ triển khai đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách để thúc đẩy phát triển cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch", ông Hiếu nói.
Gửi phản hồi
In bài viết