Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng

- Chiều 18-7, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể, thực chất, ký được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn như: Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La Tinh; đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hướng tới Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Trong khuôn khổ CPTPP, Việt Nam đã chủ trì xây dựng dự thảo tài liệu thành lập Ban thư ký CPTPP, thống nhất quy chế rà soát thực thi Hiệp định, trình Quốc hội xem xét phê chuẩn hồ sơ gia nhập của Anh, tham mưu chủ trương về hồ sơ gia nhập của các nền kinh tế khác. Trong RCEP, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên về việc thiết lập Bộ phận hỗ trợ thực thi đặt tại Ban thư ký ASEAN, tạo tiền đề cho thành lập Ban thư ký.

Với EU, rà soát tiến độ thực thi EVFTA đối với nhiều mặt hàng, đồng thời quyết liệt vận động và nâng cấp số thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) lên 18/27 nước.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, với mức tăng 6,42%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 368,53 tỷ USD (tăng 15,7% so cùng kỳ), ước xuất siêu 11,63 tỷ USD. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hầu hết các nước đều muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tây Phi, Đông Phi. Đây là cơ hội tăng cường ngoại giao kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, khi Việt Nam có nhiều sản phẩm mà thế giới cần, nhất là thế mạnh nông sản.

Tại hội nghị có nhiều ý kiến của Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố,  hiệp hội, doanh nghiệp phát biểu chỉ rõ những thuật lợi, khó khăn, cũng như giải pháp để thúc đẩy ngoại giao kinh tế góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, 6 tháng cuối năm là kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát huy đổi mới sáng tạo, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội  năm 2024.

Trên tinh thần đó ngoại giao kinh tế cần tập trung vào một số định hướng sau: Quyết liệt triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao về công tác ngoại giao kinh tế, đóng góp tối đa để giữ vững môi trường và cục diện đối ngoại hòa bình, thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội; khai thác các cơ chế vừa thiết lập để nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện trong thực thi công tác ngoại giao kinh tế; triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao.

Tiếp tục rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết thỏa thuận; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế, xã hội; tạo chuyển biến thực chất trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi ngoại giao kinh tế, để ngoại giao kinh tế phải có những đột phá mới, đưa thế và lực của đất nước lên một tầm cao mới.

Tin, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục