Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay

- LTS: Trước thềm Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về những kết quả đạt được của MTTQ các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đạt được?


Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng: Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024 được triển khai trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Nhưng với sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các ngành, sự chủ động, quyết tâm của MTTQ và các tổ chức thành viên, công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 6.000 nhà ở cho hộ nghèo, đạt 157% mục tiêu đề án, với tổng kinh phí huy động trên 600 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến năm 2023 còn 14,03%.

Công tác giám sát, phản biện xã hội không ngừng được nâng cao về chất lượng. MTTQ các cấp đã chủ trì, tổ chức 924 cuộc giám sát, 613 hội nghị phản biện xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp giám sát 37 cán bộ, đảng viên là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt tại 37 cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã chuyển 2.439 ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó có 1.463 ý kiến kiến nghị được tiếp thu, điều chỉnh phù hợp thực tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Sơn Dương kéo băng khánh thành, bàn giao nhà đại đoàn kết thứ 6.000 cho gia đình ông Nguyễn Văn Tá, thôn Thượng Bản, xã Quyết Thắng (Sơn Dương).

Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tích cực. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiếp nhận trên 38 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật quy ra tiền trên 13 tỷ đồng hỗ trợ các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại bệnh viện điều trị, bệnh viện dã chiến, các khu phong tỏa, khu cách ly, hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; ủng hộ quỹ vắc-xin và các tỉnh, thành phố trong cả nước với số tiền trên 30 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 900 tấn nông sản giúp Nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do dịch, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang tại các địa phương triển khai hiệu quả. MTTQ các huyện, thành phố xây dựng mô hình mẫu, mô hình điểm trong tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm, nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân. Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” được triển khai phù hợp, đạt kết quả thiết thực; thành lập 2.500 mô hình, tổ tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, tạo sự lan tỏa trong Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp có nhiều đổi mới đi vào chiều sâu; công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ MTTQ các cấp được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.590 Trưởng ban Công tác Mặt trận là đảng viên, đạt 92%. Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh với Đảng đoàn Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, giai đoạn 2021 - 2026; ký kết các chương trình, kế hoạch theo chuyên đề với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở ngành của tỉnh. Cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức trên 5.000 buổi hoạt động cùng Nhân dân ở cơ sở; tham dự sinh hoạt Ban Công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội ở khu dân cư, góp phần tăng cường việc nắm bắt tình hình cơ sở.    

Phóng viên: Từ thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã rút ra được bài học kinh nghiệm quý nào, thưa đồng chí?.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng: Bài học kinh nghiệm là hoạt động của Mặt trận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi hoạt động của Mặt trận phải hướng tới đáp ứng nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thường xuyên lắng nghe và phản ánh kịp thời ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Ủy ban MTTQ phường An Tường (TP Tuyên Quang) ra mắt mô hình thùng rác gia đình, thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.

MTTQ các cấp không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng, linh hoạt và bám sát thực tiễn cuộc sống; lựa chọn nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, rõ địa bàn, đối tượng, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm và phát triển các nhân tố điển hình. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nâng cao vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, phát huy tốt vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ, các hội đồng tư vấn, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và Nhân dân... tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng phải phát huy dân chủ trong sinh hoạt, đoàn kết thống nhất cao trong tổ chức và hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên có năng lực, uy tín, gương mẫu, trách nhiệm, bản lĩnh, tâm huyết với sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận.

Phóng viên: Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào trong nhiệm kỳ 2024 - 2029?

Cán bộ, công chức cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia cùng nhân dân giúp gia đình anh Bàn Càn Siết, thôn 20, xã Lang Quán (Yên Sơn) đào móng nhà.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng: Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Bản lĩnh - Đổi mới - Phát triển”, MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2024 - 2029 đề ra 3 khâu đột phá, 10 chỉ tiêu cụ thể và 6 chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác người Tuyên Quang ở các địa phương trong nước, cộng đồng người Tuyên Quang ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đội ngũ Mặt trận các cấp và xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí. 

Đồng chí Đào Thị Mai 
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Với chức năng là tổ chức thành viên của Mặt trận, các cấp Hội Nông dân tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tổ chức hoạt động công tác Hội phù hợp thực tiễn từng địa phương.

Cùng với hoạt động tư vấn, giúp đỡ hội viên nông dân về vốn, vật tư, kỹ thuật… các cấp hội thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ xóa nhà tạm, dột nát cho hội viên nghèo; phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn, xây dựng bể Bioga, bể tự hoại. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng chi tổ hội nông dân nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên tại các xã xây dựng nông thôn mới; kinh tế tập thể liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số cho nông dân… Đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Đồng chí Vương Thúy Hằng 
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, MTTQ và các tổ chức CT - XH các cấp trong tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động hơn trong xác định nhiệm vụ, linh hoạt, đa dạng, phong phú hơn trong hoạt động, đặc biệt là khẳng định rõ nét vai trò của từng tổ chức. Trong đó, MTTQ đã phát huy tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động; các phong trào, cuộc vận động đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Hiện Đề án đã nhân rộng, phát triển 2.500 mô hình thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng 597 mô hình điểm văn minh trong việc cưới, việc tang; xóa hơn 6.000 nhà tạm, dột nát; duy trì 195 km đường hoa… 

Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cấp ủy quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT - XH, các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của MTTQ, các tổ chức CT - XH trong hệ thống chính trị; gắn thực hiện Đề án với các chương trình, đề án của tỉnh; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước…


Đồng chí Hà Quang Phượng 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa

Góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, hoạt động công tác MTTQ trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, khích lệ các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành đạt và vượt 5/5 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ huyện Chiêm Hóa lần thứ 20 đã đề ra. Trong nhiệm kỳ, MTTQ đã tuyên truyền, vận động Nhân dân  đóng góp trên 37,5 tỷ đồng tiền mặt, hiến trên 51.800 m2  đất và trên 93.000 ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được 43 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa trên 1.000 nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 800 tổ, nhóm tự quản ở khu dân cư về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phát triển kinh tế...

Những kết quả đạt được đã khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của MTTQ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn huyện. 


Thượng tọa Thích Thanh Phúc 
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Chung tay xây dựng tỉnh nhà

Giáo hội Phật giáo tỉnh hiện có trên 17 nghìn tín đồ, tăng ni phật tử, trong những năm qua GHPG tỉnh luôn thực hiện đúng phương châm hành đạo của Giáo hội: Đạo pháp Dân tộc  Chủ nghĩa xã hội. Giáo hội các cấp đã tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tỉnh phát động, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo linh hoạt. Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho trên 1.000 tăng ni, phật tử; trồng hơn 6.700 cây xanh xung quanh tự viện, cũng như tham gia trồng cây với tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2023; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp ở Hà Nội phát tâm xây dựng điểm trường Mầm non xã Đông Lợi (Sơn Dương) trị giá 500 triệu đồng; phối hợp với Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn VinGroup tặng  9.000 suất quà, mỗi suất trị giá 600.000 đồng, tổng trị giá 5,4 tỉ đồng cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, chức sắc, tăng ni và tín đồ đã tích cực trong hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng Tuyên Quang thêm phát triển.


Bà Nịnh Thị Thể 
Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn)

Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước

Thời gian qua, tôi đã tuyên truyền, vận động chị em trong thôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động như: vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Gìn giữ, bảo tồn, phát huy làn điệu Sình ca, các điệu múa giàu bản sắc của người Cao Lan: múa chim gâu, xúc tép, múa phát nương tra hạt, múa cờ, múa khai đèn; thu gom rác thải nhựa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…

Nhờ sự quan tâm, giúp sức hiệu quả, thường xuyên của lãnh đạo huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; sự đồng thuận của người dân, đến nay, diện mạo của Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan đang khởi sắc từng ngày, hứa hẹn một điểm đến ấn tượng, sẵn sàng chào đón du khách gần xa đến với Động Sơn.

Thực hiện: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục