Từng bước làm chủ công nghệ
Mới đây, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết, vệ tinh NanoDragon do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, thiết kế và chế tạo đã vượt qua kỳ “sát hạch” cuối cùng, trở thành một trong 15 vệ tinh được Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chọn lựa để phóng lên quỹ đạo bởi tên lửa Epsilon, theo dự kiến trong năm tài khóa 2021 của Nhật Bản.
Một trong những ứng dụng của vệ tinh này được Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Trưởng nhóm nghiên cứu vệ tinh NanoDragon nêu ví dụ là hiện tàu biển hoạt động xa bờ rất khó thu được tín hiệu định vị. Nếu có vệ tinh hoạt động, chúng ta có thể thu được các tín hiệu định vị, giúp các cơ quan chức năng giám sát hành trình tàu biển.
Về tổng thể, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC cho biết, công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao được tích hợp từ nhiều ngành khoa học, công nghệ khác nhau, nhằm chế tạo và ứng dụng các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, trạm mặt đất… để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ, vì lợi ích con người. Cuộc chạy đua vươn lên bầu trời là nơi các nước thể hiện sức mạnh công nghệ, tiềm lực quốc gia. Vì thế, việc phát triển công nghệ vũ trụ mà trước tiên là làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh hết sức quan trọng.
"Mỗi quốc gia có cách tiếp cận công nghệ vũ trụ khác nhau, có thể là tập trung vào việc mua ảnh dữ liệu vệ tinh của nước khác, hoặc từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ. Việt Nam tiếp cận theo hướng thứ 2, dù đây là hướng đi đòi hỏi thời gian, sự đầu tư và nhiều thử thách", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tới đây, các hoạt động nghiên cứu công nghệ vũ trụ sẽ bước sang giai đoạn mới với cách tiếp cận mới, đó là phát triển ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.
Tiền đề quan trọng cho nền công nghiệp vũ trụ
“Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 4-2-2021 (tại Quyết định số 169/QĐ-TTg) với mục tiêu chính là thúc đẩy ứng dụng rộng rãi những thành tựu mới của khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia có liên quan.
Chiến lược đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường; hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ vũ trụ. Trong đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ thiết yếu và cơ bản để phát triển khoa học, công nghệ vũ trụ.
Chiến lược cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2030 sẽ làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra đa cho vệ tinh quan sát trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông; hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chiến, để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ, trong thời gian tới, Việt Nam phải đào tạo một đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3.000 kỹ sư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ…
Còn Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, mặc dù Việt Nam đã bắt đầu có những nhóm nghiên cứu sản xuất vệ tinh, song nguồn vốn còn hạn hẹp nên chưa được đầu tư một cách tập trung. Trong giai đoạn tới, hy vọng việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ sẽ tập trung hơn, cùng sự đa dạng hóa nguồn lực sẽ xây dựng được những trung tâm lớn nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ vũ trụ. Đó là yêu cầu thiết yếu để tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo là hình thành ngành công nghiệp vũ trụ.
Gửi phản hồi
In bài viết