Các đại biểu tham dự hội nghị.
Năm 2022, ngành Khoa học và Công nghệ trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch, giải pháp trọng tâm nhằm phát triển khoa học và công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngành đã tham mưu, triển khai 71 đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, các sản phẩm chủ lực, đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế du lịch, 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Trong năm, toàn tỉnh có 39 hàng hóa, dịch vụ được cấp văn bằng bảo hộ. Đến nay, Tuyên Quang có 3 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý, các đề tài, dự án khoa học được quản lý đảm bảo theo quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ thêm kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ; triển khai các hoạt động trong lĩnh vực về quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng...
Trong năm 2023, ngành tiếp tục triển khai, quản lý chặt chẽ các đề tài, dự án thực hiện đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Cùng với đó là tăng cường hướng dẫn các đơn vị, cá nhân về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết