ĐBQH Ma Thị Thúy thảo luận vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

- Chiều ngày 2-11, Quốc hội thảo luận tại các tổ đại biểu về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 11 gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Đà Nẵng, Tây Ninh, Sơn La.

Thảo luận vào dự án Luật, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao hồ sơ dự án Luật, đây là hồ sơ dự án được gửi sớm để đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Nội dung dự án Luật đã được chuẩn bị chu đáo của cơ quan chủ trì soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Dự thảo luật được xây dựng bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo hiểm xã hội. Nhiều quy định được bổ sung vào dự Luật rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế…

 Các đại biểu dự phiên họp.

Tham gia vào các nội dụng cụ thể, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị: Tại Điều 13 (Quyền và trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận) cần bổ sung nội dung: “… Chia sẻ thông tin, dữ liệu về đơn vị, người lao động, thành viên, hội viên đang quản lý với cơ quan BHXH” để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước hiện nay

Cùng với đó, cần có sự rà soát, sửa đổi để có sự thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn và Luật Bảo hiểm xã hội để có đủ điều kiện thực hiện. Trong đó cần có quy định Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (không đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội...) gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động mà không cần thủ tục ủy quyền của người lao động và ủy quyền của công đoàn cơ sở; khi thụ lý giải quyết thì Tòa án giải quyết theo quy định về vụ án tranh chấp lao động tập thể chứ không phải là tranh chấp lao động giữa từng cá nhân người lao động với người sử dụng lao động.

Đối với quy định tại Điều 31 (Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện) và Điều 34 (Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện): Đại biểu cho rằng, tại khoản 2, Điều 31 và khoản 1, Điều 34 quy định tỷ lệ mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 22%.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.

Tuy nhiên không quy định mức đóng vào quỹ ốm đau và thai sản trong khi đó dự thảo quy định BHXH tự nguyện đã bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện, như vậy trái với nguyên tắc có đóng, có hưởng của BHXH. Do đó, Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp.

Tại Điều 37 (Xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc): Đề nghị bổ sung một khoản quy định về người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 03 tháng trở lên không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo, học nghề cho người lao động” để đảm bảo quy định, phù hợp với tình hình thực tế hơn.

Đại biểu cũng đề nghị đề nghị sửa quy định tại điểm đ, Điều 70 theo hướng “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm” để thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật (khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu).

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục