Đại biểu Nguyễn Việt Hà thảo luận tại hội trường góp ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Việt Hà bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung cho hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này hiệu quả hơn. Đồng thời, luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42 theo hướng kế thừa toàn bộ một số quy phạm được thực hiện hiệu quả và có tác động tích cực trong xử lý nợ xấu thời gian qua; tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng và ngân hàng.
Góp ý vào một số nội dung cụ thể, về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị trong dự thảo cần có nội dung quy định giao các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung này. Bởi, hiện nay không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu các thông tin trên dẫn đến điểm nghẽn trong thực hiện và tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Về Quy định việc xác nhận đã thực hiện niêm yết văn bản thông báo thu giữ tài sản bảo đảm tại trụ sở UBND xã, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hình thức UBND xã xác nhận việc niêm yết này ngoài hình thức sử dụng dịch vụ thừa phát lại.
Đại biểu cũng đề nghị cần luật hoá quy định khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin/tài liệu/dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời. Cùng với đó, quy định rõ hơn về những trường hợp không được cấp tín dụng.
Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án luật theo quy trình 2 kỳ họp để đảm bảo tính liên tục, kịp thời của các quy phạm pháp luật. Bởi quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực trong năm nay, tránh tạo ra những khoảng trống pháp lý có thể dẫn đến rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia vào dự thảo để Quốc hội có cơ sở thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết