ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu nhiều vấn đề về hoạt động của tổ chức tín dụng

- Chiều ngày 5-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ 11 gồm các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì điều hành thảo luận.

Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ.

Góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ quốc gia... Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị: Sắp xếp các nguyên tắc cho phù hợp; bổ sung vào dự thảo quy định cụ thể việc lấy ý kiến các đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước; cần có cơ chế chính sách khuyến khích tăng cường ý thức bảo vệ tài nguyên nước của người dân; chính sách nhà nước khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư, nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của nhà nước trong bảo vệ phát triển tài nguyên nước...

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung riêng một “Mục” hoặc “Chương” trong dự thảo Luật để khẳng định địa vị pháp lý của Tổ chức tín dụng đặc thù là Ngân hàng chính sách xã hội. Theo đại biểu, Ngân hàng Chính sách xã hội là một tổ chức tín dụng đặc biệt của Nhà nước. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù, là sản phẩm riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngân hàng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Về kinh doanh bất động sản, tại Khoản 3 Điều 131 dự thảo quy định về “Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay" quy định: Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định.

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu Thúy, trường hợp bất động sản có quy mô lớn hoặc trong giai đoạn bất động sản còn nhiều khó khăn như hiện nay thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, trong trường hợp sau 3 năm tổ chức tín dụng không có khả năng mua lại mà vẫn chưa bán tài sản bảo đảm thì có bị mất quyền xử lý tài sản bảo đảm hay không? Trường hợp bán sau thời hạn 3 năm thì giao dịch chuyển nhượng có được công nhận hợp pháp không? Đại biểu đề nghị cần quy định rõ các trường hợp trên, đồng thời, có cơ chế pháp lý linh hoạt cho tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ vừa đảm bảo tính kịp thời, an toàn, chi phí thấp vừa phù hợp với tính chất pháp lý của từng loại tài sản bảo đảm.

 Đại biểu kiến nghị xem xét tăng thời hạn nắm giữ bất động sản do xử lý nợ vay từ 3 năm lên 5 năm nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thời gian xử lý triệt để hơn đối với các tài sản đảm bảo là bất động sản.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà góp ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định nhiều nội dung kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc trọng yếu trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là các quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản của các khoản nợ xấu...

Góp ý vào quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay tại Điều 93, đại biểu Hà đề nghị cần quy định cụ thể “mức giá trị nhỏ” nêu trong dự thảo. Về ngừng hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch thuộc các tổ chức tín dụng, đại biểu cho rằng phải quy định cụ thể và cần được làm rõ về tỷ lệ cho vay đối với khách hàng, tỷ lệ sở hữu cổ phần để an toàn cho hệ thống. Cùng với đó, tăng thời gian cho tổ chức tín dụng nắm giữ tài sản bất động sản để đảm bảo tính khả thi trong xử lý nợ...

Về quy trình thực hiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị dự thảo dự án luật này thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo, sớm hoàn thiện các thủ tục để dự thảo luật được thông qua đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời trong thực thi dự án luật.

 Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục