Sản xuất quạt công nghiệp tại Công ty cổ phần TOMECO An Khang.
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5-2021 tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng nhiều nhất (12,6%), tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.
Đáng chú ý, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như ngành sản xuất kim loại (tăng 38%); thép cán (tăng 60%); ô tô (tăng 56%); linh kiện điện thoại (tăng 36,4%); điện thoại di động (tăng 22,2%)...
Theo Bộ Công Thương, kết quả trên cho thấy đà hồi phục của ngành Công nghiệp từ cuối năm 2020 nhờ các giải pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu thị trường trong nước và khơi thông thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, lại “tấn công” vào các khu công nghiệp, đã đe dọa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TOMECO An Khang Lê Quý Khả cho biết, sang năm 2021, các đơn hàng ổn định hơn, song giá thép tăng cao, lại cộng với đợt dịch Covid-19 bùng phát, có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ giãn thuế, các doanh nghiệp mong muốn sớm được tiếp cận nguồn vắc xin để tiêm phòng cho công nhân, người lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch, bảo vệ sản xuất. Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc tài chính Công ty TNHH B. Braun Việt Nam cho biết, các biện pháp phòng dịch trong công ty đã được kích hoạt ở mức cao nhất, như vệ sinh khử khuẩn phân xưởng sản xuất, công nhân phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giãn cách… Trường hợp dịch bệnh phức tạp, đơn vị sẽ cách ly toàn bộ người lao động tại chỗ để duy trì sản xuất.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long Nguyễn Hữu Kiên thông tin, ngoài việc tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, thành lập các tổ an toàn Covid-19, công ty chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương án phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trước diễn biến của dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ sản xuất. “Hiện, các đoàn công tác của Sở Công Thương đang làm việc với các khu, cụm công nghiệp, nắm bắt tình hình, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo thành phố”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho hay.
Theo Bộ Công Thương, để giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 6 và những tháng tiếp theo của năm 2021, việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ các khu, cụm công nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ an toàn phòng, chống dịch và thực hiện các tiêu chí sản xuất an toàn, Bộ Công Thương yêu cầu các sở công thương, ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp tự đánh giá, tự rà soát, điều chỉnh những nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất.
Lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp phải có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước cấp trên về những nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương phối hợp, xử lý cán bộ, công chức của ngành lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Gửi phản hồi
In bài viết