“Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11” ngày 14-2-1957, Người căn dặn: “Để lãng phí như "gió vào nhà trống", tham ô có tội, lãng phí cũng có tội, nhân dân giao tiền của cho mình, để lãng phí là có tội với nhân dân” (1). Lãng phí không chỉ có tội với nhân dân, mà còn gây nguy hại cho đất nước; trong nhiều bài nói, bài viết Người chỉ rõ nguy hại này: “vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà” (2) và “Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội” (3)…
Ảnh minh họa: kinhtevadubao.vn
Vì vậy, ngày 24-7-1962, trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước”, Người đề xuất mở một cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”; trong đó Người nhấn mạnh: “Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên. Nó có hai ý nghĩa quan trọng:
- Nó làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân.
- Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do đó mà nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm” (4).
Quán triệt sâu sắc tư tưởng về phòng, chống lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, nhất trí và ra sức thực hiện cuộc vận động do Người đề xuất, Đảng ta chủ trương và luôn quyết tâm phòng, chống lãng phí; vì vậy, từ rất sớm, Đảng ta ban hành Thông tri số 03-TT/TW, ngày 12-1-1955 của Ban Bí thư Về việc tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí; Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, trong phần nói về nhiệm vụ thứ nhất của đảng viên, đã nêu rõ: Đảng viên “tích cực bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân, chống lãng phí, tham ô”.
Do đó, đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn để hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tiếp tục giành “Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn của nhân dân ta trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc đã ghi thêm vào lịch sử cách mạng nước ta những chiến công oanh liệt mới...” (5); nhất là sau gần 40 năm đổi mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII.
Trong giai đoạn mới, một trong các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 10 năm tới được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta kiên trì: “chống lãng phí”.
Để chuẩn bị đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng “Chống lãng phí” - Đây là thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội; từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai và “để lãng phí là có tội với nhân dân” như lời căn dặn của Bác Hồ.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 496
(2) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr. 600
(3), (4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 13, tr. 416; tr. 418
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 580.
Gửi phản hồi
In bài viết