Trong 23 điều về tư cách của một người cách mạng, chữ “cần, kiệm” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. “Cần”, là làm hết sức mình trong mọi công việc, không lười biếng, không thoái thác nhiệm vụ; “kiệm”, là tiết kiệm, không lãng phí.
Vấn đề chống lãng phí đã được Đảng ta đặt ra từ rất sớm và luôn luôn gắn liền với chống tham ô, tham nhũng và tệ quan liêu. Bộ Chính trị nêu rõ nhận thức, đây là cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ những tàn dư của chế độ bóc lột, xây dựng lập trường, đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm, chính. Cần phải có giải pháp căn bản và thiết thực để ngăn ngừa tệ nạn ấy. Cái gốc vẫn là tinh thần trách nhiệm, sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, là cách thức, chế độ quản lý chặt chẽ, minh bạch.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra, lãng phí là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ảnh minh họa/ bqllang.gov.vn
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí” đã tạo ra động lực mới trong cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài. Chống lãng phí thành công góp phần tăng thêm nguồn lực để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Mỗi cán bộ, đảng viên cần có quan điểm coi lãng phí là “giặc nội xâm” và chống lãng phí là chống “giặc nội xâm”; phải đặt mức độ nguy hiểm của lãng phí trên tham nhũng.
Như vậy, chống lãng phí đã được xem là một “cuộc chiến”, cần quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ và liên tục, xuyên suốt. Không chỉ riêng đối với cán bộ, đảng viên mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia.
Hiện nay, nền kinh tế đang chuyển đổi, hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra nguồn lực và động lực mới để phát triển đất nước. Tuy nhiên, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trình độ quản lý, ý thức chấp hành pháp luật của cả người có thẩm quyền và người thực thi còn yếu kém; việc xử lý lãng phí chưa được đề cao và thường gắn với xử lý tham nhũng; cơ chế giám sát, xử lý lãng phí còn hạn chế. Tất cả các nguyên nhân đó đã dẫn tới thất thoát, lãng phí vô cùng lớn, “bào mòn” đất nước.
Bên cạnh đó, đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc cũng là yếu tố làm trì trệ nền kinh tế.
Thực trạng đặt ra cho thấy, cần thiết phải xem chống lãng phí là vấn đề cấp bách, là nhiệm vụ cần làm ngay, làm xuyên suốt và không ngừng nghỉ, không của riêng một ai; gắn chống lãng phí với thực hành tiết kiệm. Những việc đó được thực hiện tốt sẽ tạo nguồn lực lớn trong xây dựng, phát triển đất nước, phát triển các ngành, các địa phương và từng gia đình, làm cho dân giàu nước mạnh. Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là chống lãng phí tiền bạc, của cải, tài sản công; cần, kiệm xây dựng đất nước.
Để góp phần chống lãng phí thành công, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần có ý thức thường trực chống lãng phí, cảnh giác với việc làm, hành vi có thể dẫn đến lãng phí. Làm cho việc chống lãng phí hình thành thói quen, trở thành nét văn hóa tốt đẹp ăn sâu vào nhân cách mỗi người. Tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lấy việc chống lãng phí là nhiệm vụ, tiêu chí đánh giá thước đo năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức của từng cán bộ, đảng viên.
Gửi phản hồi
In bài viết