Các bị cáo tại phiên tòa.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa bày tỏ quan điểm về vụ án, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng các hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo trong vụ án.
Theo đó, từ những đánh giá về bối cảnh, hành vi, vai trò phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) từ 5 đến 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) từ 4 đến 5 năm tù; Trịnh Thị Thuận (nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai) từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng treo; Lý Thị Ngọc Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai) từ 24 đến 30 tháng tù, cho hưởng án treo.
Đối với các bị cáo ở Công ty cổ phần Công nghệ y tế (Công ty BMS), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt: Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty BMS) từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo; Ngô Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc Công ty BMS) từ 24 đến 30 tháng tù, hưởng án treo. Các bị cáo ở Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) bị đề nghị mức án như sau: Trần Lê Hoàng (nguyên Thẩm định viên) từ 30 đến 36 tháng tù; Phan Minh Dung (nguyên Tổng Giám đốc) từ 24 đến 30 tháng tù.
Tất cả các bị cáo trên đều bị xác định phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo đại diện Viện Kiểm sát, Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, bị cáo Phạm Đức Tuấn đã đến gặp bị cáo Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng. Bị cáo Quốc Anh khi đó là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai không đồng ý vì thủ tục phức tạp nên hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra.
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. Để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Công ty VFS nơi Trần Lê Hoàng làm việc.
Tuy nhiên, qua xác minh đã làm rõ, Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về Việt Nam, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Quá trình triển khai đề án liên doanh liên kết, Phạm Đức Tuấn khai đã biếu cho các lãnh đạo bệnh viện. Việc nhận tiền, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đã khai được nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD.
Viện Kiểm sát nhận định hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến quyền lợi của người bệnh. Các bị cáo đều có nghiệp vụ, chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực mà mình công tác, đáng lẽ phải quyết tâm đem lại lợi ích cho người bệnh, nhưng hành vi của các bị cáo lại gây ra dư luận xấu trong nhân dân, khiến nhiều người bệnh bị thiệt hại…
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền giữ vai trò giúp sức, các bị cáo còn lại tại Bệnh viện Bạch Mai giữ vai trò thực hiện. Các bị cáo tại Công ty BMS và Công ty VFS giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Về tình tiết giảm nhẹ, Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp lại khoản tiền hưởng lợi không chính đáng…
Ngày mai (21-1), phiên tòa tiếp tục làm việc.
Gửi phản hồi
In bài viết