Ông Nguyễn Thiệu Anh, Viện trưởng IOHEC, chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh: Mục tiêu Đề tài nhằm nghiên cứu kinh tế tuần hoàn như một phương thức cho giải pháp của nền kinh tế trong thời đại 4.0, thông qua vai trò của mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Đồng thời, xác định được các tiềm năng, lợi thế, cũng như vướng mắc trong thực tiễn Việt Nam, đề xuất giải pháp tháo gỡ, có lộ trình và kịch bản xu hướng chuyển đổi khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái; xây dựng được mô hình điểm về khu công nghiệp sinh thái-kinh tế tuần hoàn, với các bộ tiêu chí cụ thể, nhằm ứng dụng khả thi trong thực tiễn, giúp tăng giá trị tài nguyên, hiệu quả kinh tế-xã hội.
Đề tài chọn mô hình điểm là khu công nghiêp Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng), định hướng trở thành một “nền công nghiệp sinh thái”, dựa trên các tiêu chí theo Nghị định 82 của Chính phủ, xây dựng được khái niệm đầu tiên về kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, xác định và đề xuất bộ tiêu chí có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Đánh giá về đề tài, PGS, TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh: Đề tài đã nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về khu công nghiệp sinh thái-kinh tế tuần hoàn của thế giới và Việt Nam, đặt nền móng cho vấn đề rất mới trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp môi trường.
Đặc biệt, vượt ra phạm vi nghiên cứu các khu công nghiệp, Đề tài có ý nghĩa bao trùm toàn bộ nền kinh tế, là tài liệu quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham khảo, học hỏi.
Để đề tài lan tỏa, đi vào thực tiễn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm và Viện IOHEC báo cáo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), trình Chính phủ, giúp các bộ, ngành, có hướng sửa đổi Nghị định 82.
Gửi phản hồi
In bài viết