Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ các chương trình giảm nghèo. Ảnh: Alamy
Trong dấu hiệu quốc tế ngày càng ủng hộ việc đánh thuế đối với giới siêu giàu, Brazil, Đức, Nam Phi và Tây Ban Nha cho biết, mức thuế 2% sẽ giúp giảm bất bình đẳng và huy động các nguồn quỹ rất cần thiết sau những cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu cũng như những cuộc xung đột ở châu Âu và Trung Đông.
Bộ trưởng Tài chính của 4 nước này kêu gọi nhiều quốc gia tham gia chiến dịch của họ.
“Một trong những công cụ quan trọng mà các chính phủ sử dụng để thúc đẩy bình đẳng hơn là chính sách thuế. Nó không chỉ có tiềm năng tăng tài chính mà cũng đảm bảo mọi người trong xã hội đều đóng góp cho lợi ích chung phù hợp với khả năng chi trả của họ. Sự đóng góp chia sẻ công bằng sẽ nâng cao phúc lợi xã hội”, các bộ trưởng nêu quan điểm trên Guardian ngày 25-4.
Năm nay Brazil làm Chủ tịch nhóm G20 và đưa vấn đề đánh thuế tài sản của các tỷ phú vào chương trình nghị sự tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính hồi đầu năm.
Nhà kinh tế học người Pháp Daniel Zucman đưa ra các chi tiết kỹ thuật của một kế hoạch sẽ được G20 thảo luận một lần nữa vào tháng 6. Pháp đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định về đánh thuế tài sản.
Ông Daniel Zucman cho biết: “Các tỷ phú có mức thuế thực tế thấp nhất so với bất kỳ nhóm xã hội nào. Việc những người có khả năng nộp thuế cao nhất lại phải trả ít thuế nhất - tôi nghĩ không có ai ủng hộ điều đó”.
Các bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng "thiên đường thuế". Chẳng hạn, quy định mới về thuế sẽ được thiết kế để ngăn chặn các tỷ phú chọn sống ở Monaco hoặc Jersey, nhưng kiếm tiền ở các nền kinh tế lớn hơn như Anh hoặc Pháp, giảm hóa đơn thuế của họ xuống dưới mức tối thiểu đã được thống nhất toàn cầu.
Ông Daniel Zucman cho biết, có sự ủng hộ áp đảo của công chúng đối với đề xuất này, với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có tới 80% cử tri ủng hộ. Mặc dù vậy, ông cũng đã chuẩn bị cho sự phản đối gay gắt.
Gửi phản hồi
In bài viết