Sơn chống gỉ vết cắt của thép thành phẩm tại Nhà máy cán thép Thái Trung (Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên). (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ vì lo ngại dịch COVID-19 khiến thị trường thép, cơ khí ảm đạm, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, giao dịch bán hàng ít.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian qua, hàng hóa lưu thông chậm do nhu cầu về xây dựng trong nước chậm. Việc vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa các tỉnh khu vực Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh,... ) gặp khó khăn khi tâm dịch nằm ở Hải Dương, Quảng Ninh.
Ngoài ra, việc chuẩn bị phòng chống dịch và sắp xếp công tác hậu cần tại các nhà máy, đặc biệt các nhà máy trong tâm dịch như Hòa Phát Kinh Môn Hải Dương tốn kém, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, doanh nghiệp trên đã chi 6 tỷ đồng cho việc làm xét nghiệm, sau Tết là 10 tỷ đồng cho nhà máy tại khu vực này khi có ca nghi nhiễm. Các nhà máy khác cũng tương tự, như Thép Việt Đức có các nhà phân phối tại Hải Dương...
Về tác động của chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, đánh giá cao công tác hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp thời gian qua để đảm bảo kiểm soát dịch an toàn và phát triển kinh tế.
"Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập chưa đồng bộ, đặc biệt trong vấn đề lưu thông hàng hóa từ các tỉnh trong tâm dịch đến các địa phương khác và ngược lại," đại diện Hiệp hội Thép nhấn mạnh.
Bên cạnh thép, lĩnh vực cơ khí cũng là ngành đã và đang phải đối mặt nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang rất thiếu đơn hàng. Đơn cử như ngành ôtô, đơn hàng của các doanh nghiệp đã giảm nhiều so với năm ngoái. Trong khi đó, giá cước vận tải tăng. Nhiều doanh nghiệp chỉ có thể sản xuất cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, cho hay đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài gặp khó, chi phí vận tải tăng cao do thiếu nguồn container. Ở trong nước, các đối tác tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Dương... sản xuất cầm chừng do dịch bệnh bùng phát khiến cho đơn hàng của doanh nghiệp giảm nhiều so với năm trước.
“Rất mong Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp về nộp thuế, phí; có các giải pháp kích thích, tạo thị trường cho doanh nghiệp tham gia, đẩy mạnh sản xuất...," ông Đoàn nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, văn bản của Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời, giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Các cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp," Hiệp hội Thép đề xuất.
Cũng liên quan tới vấn đề chi phí, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, đề nghị hỗ trợ chủ doanh nghiệp chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài bởi phần này tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước được tham gia vào các dự án đấu thầu trong nước, tạo thị trường và đơn hàng cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Phôi thép trước khi đưa vào dây chuyền cán. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Từ góc độ doanh nghiệp cụ thể, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, đề xuất tiếp tục hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước đến hết năm 2021.
Theo ông Đức, trong sáu tháng năm 2020, khi COVID-19 xảy ra, thị trường ôtô sụt giảm 35% so với năm 2019, tất cả doanh nghiệp rất khó khăn. Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ giảm giá bán nên sản lượng sáu tháng cuối năm tăng trưởng.
Cuối năm 2020, tổng sản lượng thị trường chỉ giảm 10%. Do vậy, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua một năm khó khăn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho phép tính vào chi phí khấu trừ của doanh nghiệp đối với các chi phí ủng hộ, hỗ trợ theo hoạt động phòng chống dịch COVID-19 để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong giai đoạn hiện nay, Bộ này cũng đang chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành trong thời gian vừa qua để tiếp tục có những đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế./.
Gửi phản hồi
In bài viết