Người dân mua hàng tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
Giới hạn phạm vi giảm thuế
Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2023 đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).
Tại phiên họp thứ 23 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo như chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thay vì mở rộng áp dụng đối với mọi loại hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại việc mở rộng chính sách giảm thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách trong khi tình hình thu ngân sách năm 2023 đang khó khăn, tổng cầu yếu, "sức khỏe" doanh nghiệp sụt giảm.
Tiếp thu ý kiến trên, tại tờ trình ngày 15-5-2023, Chính phủ đề xuất việc giảm thuế sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ước tính, nếu áp dụng việc giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng (phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ như đề xuất trước đó thì giảm thu 35.000 tỷ đồng).
Theo PGS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), việc giới hạn phạm vi giảm thuế GTGT như năm 2022 dẫn đến trường hợp khó phân biệt các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm, không được giảm do sự đan xen về tính chất sản phẩm và sự phát triển đa dạng của các lĩnh vực kinh doanh, sẽ gây rủi ro cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi áp dụng. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, việc giảm thuế GTGT trên diện rộng giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả hơn, tác động mạnh mẽ hơn đến tổng cầu của nền kinh tế. Điều này giúp hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế và tạo nguồn thu tiềm năng trong tương lai cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp cần được hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn nên dễ hiểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu áp dụng giảm thuế GTGT đối với nhóm đối tượng như năm 2022.
Thêm nguồn lực phát triển
Năm 2022, việc giảm 2% thuế GTGT (trừ các nhóm ngành như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản…) đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Việc giảm thuế đã có tác dụng kích cầu tiêu dùng, từ đó thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng như người dân đánh giá cao khi thuế GTGT tiếp tục được đề xuất giảm trong năm 2023.
PGS Lê Xuân Trường cho rằng, nếu doanh nghiệp ở những lĩnh vực có cầu thấp, khó tiêu thụ hàng hóa thì việc giảm thuế GTGT giúp doanh nghiệp giảm giá bán, từ đó thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm. Khi tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ đẩy mạnh, doanh nghiệp tăng thanh khoản, quay vòng vốn kinh doanh nhanh hơn. Nếu ở những lĩnh vực mà cầu không giảm quá thấp, doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận, có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng mua được hàng hóa, dịch vụ với giá bán thấp hơn. Người lao động còn được hưởng lợi gián tiếp nhờ việc các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm thêm cho nền kinh tế và có điều kiện tăng thu nhập cho người làm công, ăn lương.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm chia sẻ: “Chính sách này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp, người dân. Năm 2022, nhờ giảm thuế GTGT, chúng tôi đã có mức doanh thu khá tốt. Thực tế, lúc đầu, người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến việc giảm thuế này. Khi được nhân viên thanh toán giới thiệu số tiền được giảm khi xuất hóa đơn, người tiêu dùng đã phấn khởi hơn. Chúng tôi kỳ vọng, chính sách giảm thuế GTGT năm 2023 được thông qua sẽ có tác động tích cực đến tiêu dùng”.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết rất vui khi Chính phủ đề xuất giảm thuế GTGT, vì sẽ giúp tiết kiệm chi phí mỗi khi mua hàng hóa, trong bối cảnh thu nhập giảm do doanh nghiệp nơi chị làm việc kinh doanh khó khăn.
Theo các chuyên gia, để chính sách sớm đi vào cuộc sống và hiệu quả, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành, đồng thời, các thủ tục áp dụng phải thực sự đơn giản.
Gửi phản hồi
In bài viết