Cụ thể, UBND quận Tây Hồ sẽ chủ trì quản lý, tổ chức thực hiện các nội dung: Quản lý mặt nước Hồ Tây bao gồm mái ta-luy kè hồ, lòng hồ, bảo đảm vệ sinh mặt nước; công tác chống lấn chiếm lòng hồ; quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng; quản lý và tổ chức giao thông tại 11 tuyến đường, phố chung quanh Hồ Tây; quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, môi trường nước Hồ Tây…
Đáng chú ý, trong đề xuất này, UBND quận Tây Hồ sẽ đầu tư quản lý 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (quy hoạch A6 được UBND TP phê duyệt). Đồng thời, quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch.
Những lĩnh vực còn lại, như: quản lý mực nước hồ phục vụ tiêu thoát nước của lưu vực; quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom xử lý nước thải; an toàn giao thông, các cơ sở lưu trú của khu vực Hồ Tây do các sở, ngành tiếp tục quản lý.
Hồ Tây có diện tích 527,517ha, chu vi chung quanh hồ dài khoảng 18,9km. Hạ tầng kỹ thuật chung quanh Hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ. Trước đây, Hồ Tây từng là nơi có hoạt động của nhiều du thuyền, được khách du lịch ưa chuộng, song do bất cập trong công tác quản lý nên hoạt động này bị tạm dừng. Việc quản lý, khai thác Hồ Tây cũng khá chồng chéo, do nhiều sở, ngành, mỗi sở, ngành quản lý một bộ phận. Việc thống nhất quản lý Hồ Tây sẽ giúp khai thác các giá trị, lợi thế của danh thắng nổi tiếng này của Thủ đô.
Gửi phản hồi
In bài viết