Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của nhiều dân tộc trên địa bàn huyện Na Hang. Ngày trước, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề mà còn là tiêu chí để đánh giá một người phụ nữ. Bên cạnh công việc đồng áng, người phụ nữ còn phải biết se tơ, dệt vải để phục vụ gia đình và làm của hồi môn khi đi lấy chồng. Theo đồng chí Hoàng Minh Đằng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, ngành văn hóa huyện đang có kế hoạch khôi phục những làng nghề truyền thống về dệt thổ cẩm, trong đó chú trọng địa phương đã có nghề dệt như Đà Vị, Thượng Nông, Yên Hoa, Hồng Thái... Đến thời điểm này, toàn huyện đã mở được 10 lớp về đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại các xã, đưa sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công vào làm điểm nhấn về du lịch của huyện.
Theo phong tục từ xưa, con gái Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Chị Đặng Thị Dương, dân tộc Dao Tiền, thôn Khau Tràng (Hồng Thái) cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, từ những công đoạn giản đơn đến phức tạp, từ những chi tiết nhỏ đến cách nhuộm những tấm áo chàm đã bị bạc màu; tự tay thêu, may những bộ quần áo của mình để mặc lúc ở nhà, đi chợ, đám cưới, lên nương, chơi hội xuân... Nhìn vào quần áo là mọi người biết được người con gái, người phụ nữ đó có khéo léo hay không. Nên ngay khi bắt đầu mở dịch vụ Homestay, chị Dương đã chú trọng đến những sản phẩm về dệt thổ cẩm của dân tộc mình, và như một sức hút, đó là điểm nhấn và thích thú với du khách khi đến với Khau Tràng, Hồng Thái.
Dệt thổ cẩm được làm thủ công, nếu đa dạng mẫu mã sản phẩm sẽ làm điểm nhấn trong du lịch Na Hang.
Xã Thượng Nông hiện có gần 1.000 hộ dân, trong đó 70% là người dân tộc Tày sinh sống. Người Tày ở Thượng Nông hiện vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thiếu nữ Tày 13 - 14 tuổi đã được dạy se sợi, dệt vải, may quần áo, chăn màn dùng hằng ngày và chuẩn bị để đem theo lúc về nhà chồng… Để giữ nghề, Hội LHPN xã đã mở các lớp truyền dạy nghề dệt vải cho lớp trẻ. Toàn xã có 10 Câu lạc bộ dệt thổ cẩm và hát Then được thành lập. Đồng chí Hoàng Văn Cướng, Chủ tịch UBND xã cho biết, với sự truyền dạy tâm huyết của các bà, các mẹ nên hiện nay những phụ nữ trẻ tuổi tại các thôn ở Thượng Nông đã tích cực hơn trong việc học thêu váy áo của dân tộc mình. Nhiều chị em mặc dù mới học nhưng cũng muốn tự tay làm cho mình bộ trang phục của dân tộc thật đẹp để mặc vào dịp lễ hội, Tết… tạo nên nét văn hóa rất riêng.
Người Tày ở Yên Hoa có truyền thống chuẩn bị chăn gối thổ cẩm cho con gái đi lấy chồng làm của hồi môn để khoe với nhà chồng sự khéo léo, đảm đang của cô dâu. Bà Hà Thị Hiền, thôn Bản Thác cho biết, con gái Tày ở Na Hang được mẹ truyền dạy cho nghề dệt vải từ năm 13, 14 tuổi. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị ít nhất chục bộ chăn, màn do tự tay mình dệt để thể hiện sự khéo léo của cô dâu và cũng là cách báo hiếu với cha mẹ, anh chị bên nhà chồng.
Ngày nay, nghề trồng bông, kéo sợi không còn nhiều, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá không cao, không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Chị Bàn Thị Nhất, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bản Lục, xã Đà Vị cho biết, toàn thôn Bản Lục hiện có khoảng 30 người biết sử dụng khung cửi để dệt vải và may các sản phẩm thổ cẩm, chủ yếu là quần áo, các sản phẩm khi mang đi bán nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng dưới xuôi.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu từng bước xây dựng Na Hang trở thành trung tâm các huyện vùng cao của tỉnh. Để làm được điều này, hiện nay UBND huyện Na Hang đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch để đưa nghề dệt thổ cẩm lên vị thế mới trong du lịch của huyện. Trước mắt, đó là mở các lớp học nghề dệt, xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, lễ hội lớn trong và ngoài nước.
Gửi phản hồi
In bài viết