May hàng xuất khẩu tại Nhà máy may Hanosimex Ðồng Văn.
Ðể hoàn thành mục tiêu đạt 43,5 tỷ USD đề ra, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tập trung đẩy mạnh sản xuất, tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Đối diện nhiều thách thức
Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành dệt may mới có đơn hàng đến hết tháng 10, đang trong quá trình tiếp tục đàm phán cho những đơn hàng mới. Trong đó, không ít doanh nghiệp buộc phải giảm giá, chấp nhận đơn hàng nhỏ, lẻ nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, sau những tháng đầu năm khởi sắc, đơn vị đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi giá nguyên phụ liệu tăng cao, đơn hàng sụt giảm gây ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, thậm chí, nhiều đơn vị phải chấp nhận hạ giá xuống 20%-30% mới có nguồn hàng để duy trì hoạt động.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Ðáp Cầu Lương Văn Thư khẳng định, ngay từ đầu quý III, ban lãnh đạo công ty đã nhìn nhận có nhiều diễn biến bất lợi về thị trường, hầu hết doanh nghiệp ngành may gặp khó trong tìm kiếm nguồn hàng, quy mô và đơn giá đều giảm. Ðối với thị trường Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của hàng dệt may, trung bình các đơn hàng bị giảm cả về số lượng và đơn giá, nhiều đơn hàng quy mô giảm tới 50%-60%.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương Phan Lê Diễm Trang, các doanh nghiệp trên địa bàn đang rơi vào tình trạng "đói" đơn hàng, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải cho công nhân nghỉ việc, dừng sản xuất. Một số doanh nghiệp sử dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", trích quỹ dự phòng để cầm cự, đợi đơn hàng mới.
Không chỉ ngành dệt may, ngành da giày cũng đang "điêu đứng" vì chi phí nguyên phụ liệu, logistics,... tăng cao, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương) Trương Thị Thúy Liên cho biết, trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhất là cuộc chiến Nga-Ukraine, tình hình lạm phát tại một số thị trường chính đã gây đứt gãy nguồn cung, giảm cầu tiêu dùng. Thị trường EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm.
Không chỉ ngành dệt may, ngành da giày cũng đang "điêu đứng" vì chi phí nguyên phụ liệu, logistics,... tăng cao, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ðáng chú ý, các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày cũng gần như bị suy giảm. Ngoài ra, ngành da giày đang tồn kho khá lớn do gián đoạn chuỗi cung ứng khiến đơn hàng cuối năm chững lại. Ðể đối phó tình trạng nêu trên, các doanh nghiệp đành cắt giảm nhà thầu phụ, giảm thời gian tăng ca, cho công nhân và khuyến khích công nhân nghỉ phép năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đàm phán với một số khách hàng để có thể sử dụng lại những đơn hàng trong mùa dịch họ đã từ chối nhằm duy trì hoạt động, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, dệt may là ngành xuất, nhập khẩu rất lớn và chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc),… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU khiến sức mua giảm, làm ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp phải chịu chi phí tăng tới 20%-25% do giá nhiên, nguyên phụ liệu tăng cao, chi phí vận tải cao gấp ba lần so với bình quân 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, đồng nội tệ của nhiều quốc gia trong khu vực mất giá khá lớn so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam chỉ mất giá 1,8%, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tình trạng thiếu hụt lao động, khó khăn về vốn sau thời gian dài chống dịch bệnh và duy trì sản xuất cũng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng "khó chồng khó",...
Phát triển theo chuỗi
Tổng Giám đốc Tổng công ty May Ðáp Cầu Lương Văn Thư cho biết thêm, trong bối cảnh nhiều khó khăn khi khách hàng có xu hướng đặt đơn hàng số lượng nhỏ, hoặc nhiều đơn hàng đã ký nhưng bị trì hoãn thời gian giao, May Ðáp Cầu đã chuyển hướng sang tìm kiếm các đơn hàng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù hai thị trường này khó tính hơn rất nhiều thị trường Mỹ với các tiêu chuẩn khắt khe, quy mô đơn hàng nhỏ nhưng đơn vị sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách, đồng thời quyết tâm duy trì được thành quả trong bảy tháng qua cũng như đẩy mạnh tìm kiếm các đơn hàng nhỏ hơn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Ðại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp sản xuất ngành da giày, túi xách không nên tập trung vào một số thị trường mà cần đa dạng hóa từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Ngành da giày hiện mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng mới ở mức trung bình của thế giới, nếu chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động được nâng lên, sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm. Ngoài ra, Hiệp hội cũng khuyến cáo doanh nghiệp tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa bảo đảm ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố mang tính đột biến và khó lường trước, về tính chất các yếu tố này không thuộc quy luật thị trường, nhất là xung đột Nga-Ukraine, sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu, lạm phát rất cao ở Mỹ, châu Âu,...
Từ nay đến cuối năm, Vinatex bằng mọi biện pháp giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng, không thua lỗ để giữ vững kết quả sản xuất, kinh doanh trong bảy tháng qua. Hiện tại giá của Việt Nam không phải là lợi thế cạnh tranh, cần phải có những lợi thế khác bù đắp. Trong đó, ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế,...
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Ðồng thời, bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu; sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có định hướng, khuyến cáo rủi ro, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển hàng hóa, chứng từ,… cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vào các nước khu vực và chung quanh có xung đột,... ■
Gửi phản hồi
In bài viết