Quang cảnh Hội nghị.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hết tháng 8, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cụ thể, cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.
Hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã (HTX), 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch.
Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các Điểm du lịch nông thôn đặc sắc.
Theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, Chương trình OCOP có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Chương trình đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ…
Bên cạnh đó, Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trong những năm qua, du lịch nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương, xuất hiện một số mô hình du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Mặc dù còn khó khăn về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất cũng như kỹ năng nghiệp vụ… nhưng đây cũng đã đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam, thúc đẩy nội tour tuyến, mở rộng không gian đưa khách du lịch về nông thôn.
Thời gian tới, chương trình Du lịch nông thôn cần tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào; phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo; ưu tiên phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch về nông thôn; chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết các ngành nghề, dịch vụ liên quan khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách…
Tại hội nghị, đại biểu của nhiều địa phương cho rằng, phát triển chương trình OCOP và Du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cần dựa vào đặc điểm của từng vùng miền, từng địa phương, giá trị văn hóa và bản sắc của từng miền quê.
Nông thôn mới giống như một xã hội thu nhỏ, có đủ các lĩnh vực đòi hỏi có sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền và đặc biệt là người dân.
Việc nâng cao nhận thức của bà con, sự tham gia của các tổ chức, đồng thời sự chỉ đạo và đầu tư bài bản có trọng tâm của các địa phương chính là khâu quan trọng giúp chương trình xây dựng nông thôn mới thành công…
Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP sẽ triển khai một cách linh hoạt, phù hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương.
Theo đó, tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất và văn hóa địa phương; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa; tập trung đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm, tiếp thị và phát triển thị trường...
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, việc phát triển các sản phẩm OCOP cần có sự chọn lọc, cái giá trị của sản phẩm OCOP là tạo sinh kế cho người dân. Cần quan tâm đến việc tham gia của người dân, đa dạng sản phẩm, gắn kết cộng đồng nhiều hơn trong việc làm sản phẩm OCOP.
Bất kể địa phương nào làm sản phẩm OCOP nên tạo sự khác biệt, gắn sản phẩm của mình với địa danh địa phương. Việc bán sản phẩm OCOP không dừng ở việc bán sản phẩm mà dường như chúng ta cần cho người mua thấy được cả giá trị, văn hóa của mình, đó là cảm xúc của người sản xuất. Chúng ta phát triển du lịch không những vì lợi ích kinh tế mà còn tự hào dân tộc.
Từng tỉnh cần xây dựng một trung tâm tích hợp, mời các chuyên gia huấn luyện bao bì, kể câu chuyện, kết nối thị trường, thăm dò tín hiệu thị trường để những sản phẩm của mình cần có sự thay đổi theo nhu cầu thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết