“Đi đến cùng của truyền thống sẽ bắt gặp hiện đại”

Tại Việt Nam, mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh các con giáp đại diện cho năm mới lại rộn ràng xuất hiện khắp nơi, từ tranh vẽ, đồ trang trí đến các sản phẩm thủ công.

Bắt đầu từ một cơ duyên, các họa sĩ trẻ tại Lamphong Studio đã có hành trình 10 năm thực hiện dự án con giáp thường niên, sử dụng chất liệu dân gian, lấy cảm hứng từ truyền thống để kể câu chuyện của ngày hôm nay.

truyen-thong.jpg

Lamphong Studio - nơi mọi người có thể cùng nhau sáng tạo những sản phẩm thủ công, lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian truyền thống.

Khởi nguồn từ những điều nhỏ bé

Lamphong Studio được thành lập vào năm 2015 bởi họa sĩ Lê Huy (sinh năm 1984, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). Từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê đặc biệt với đồ thủ công và thường dành hàng giờ tự tay làm những món đồ chơi nhỏ xinh cho riêng mình. Khi trưởng thành và theo học mỹ thuật, trong những chuyến ký họa thực tế, có cơ hội ghé thăm nhiều làng nghề truyền thống, anh thường bị cuốn hút bởi những sản phẩm nho nhỏ và tỉ mỉ.

Ước mơ về một xưởng sáng tạo đồ thủ công của anh đã được hình thành từ những trải nghiệm và những câu chuyện thời thơ ấu. Sau này, khi có cơ hội đi nhiều nơi và tham gia thiết kế, thực hiện các triển lãm “Những ngày Văn hóa Việt Nam” tại nước ngoài, anh nhận ra, quà tặng và đồ trang trí dân gian của mỗi quốc gia đều mang nét đặc trưng rất riêng. Chỉ cần thoáng nhìn người ta có thể nhận ra sản phẩm đó đến từ đâu, như búp bê Kokeshi của Nhật Bản, đồ gỗ Bali của Indonesia hay đồ bạc của Lào và Thái Lan... Tuy nhiên, anh nhận thấy Việt Nam vẫn còn thiếu những sản phẩm thủ công mang tính biểu tượng và chưa xây dựng được một hệ thống sản phẩm thủ công mang đặc trưng bản địa rõ ràng. Điều này thật đáng tiếc khi Việt Nam sở hữu một kho tàng quý giá về mỹ thuật, kiến trúc dân gian cùng vô số chất liệu truyền thống độc đáo và đặc sắc, đủ sức tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn văn hóa riêng biệt.

Bắt nguồn từ niềm đam mê, họa sĩ Lê Huy ngẫu hứng thực hiện dự án con giáp đầu tiên với hình tượng Dê mang tên “Dê Cát Tường”. Con dê được trang trí hoa văn “Cát Tường” của người Mông trên lưng đã đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình sáng tạo mà anh và các cộng sự tại Lamphong Studio theo đuổi đến ngày hôm nay. Với những thiết kế nhỏ gọn, Lamphong Studio đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm thủ công mang dấu ấn riêng, được hoàn thiện nhờ sự hỗ trợ của các nghệ nhân làng nghề truyền thống. Lamphong Studio ấp ủ mong muốn mang đến góc nhìn mới về đồ thủ công Việt Nam được thực hiện bởi những nhà thiết kế trẻ với tinh thần kế thừa truyền thống. Những sản phẩm ấy không chỉ là vật phẩm trang trí mà còn là cầu nối đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Chất liệu truyền thống, hình tượng mới

5 năm sau cuộc “gặp gỡ” với “Dê Cát Tường”, họa sĩ Lê Huy bắt tay vào tác phẩm “Chuột Quả Gấc”. Ý tưởng hình thành sau một lần anh lắng nghe một người bạn gốc Huế kể say mê về quê hương và những giá trị văn hóa phi vật thể đang tồn tại dưới mỗi nếp nhà. Và “Chuột Quả Gấc” đã ra đời dưới lớp sơn son thếp vàng, mang theo những giấc mơ và cảm hứng của anh về vùng đất cố đô. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục phát triển tác phẩm thành bộ “Chuột Nhất Phẩm”, lấy cảm hứng từ hệ thống hoa văn cách điệu từ bổ tử trên áo quan lại triều Nguyễn…

Năm 2021, khi dịch Covid-19 hoành hành, một chú “trâu hạt mít” cuộn tròn trên mõ trâu được cách điệu thành hình mái đình, mang tên “Nhàn Ngưu” đã ra đời để chào mừng xuân Tân Sửu. Cái mõ thì to, con trâu thì nhỏ, sự ngược đời hoán đổi ấy lại rất thuyết phục trong câu chuyện mà họa sĩ kể: “Cái mõ, một thứ phát ra âm thanh lộc cộc để biết cả đàn ở đâu, để những con trâu trong đàn đi theo con đầu đàn, thậm chí để phân biệt đàn trâu nhà này và trâu nhà khác. Nhà nào càng nhiều âm thanh của thứ lộc cộc ấy thì “cơ nghiệp” càng lớn. Bản thân tạo hình chiếc mõ, nó đã rất giống một con trâu rồi. Cách điệu một chút, sẽ thành một mái đình có hai đầu vút cong… Hơn nữa, cuối cùng, ai cũng tự tìm kiếm cho mình một chữ Nhàn!”.

Năm 2022, Hà Nội tiếp tục trải qua những tháng ngày giãn cách vì dịch Covid-19. Bản thân Lê Huy cũng rơi vào cảnh “mắc kẹt” khi khu vực anh ở bị phong tỏa. Một mình trong xưởng, anh sống chậm rãi từng ngày, làm đất, uống trà, thực hành nghệ thuật như cuộc sống vốn vẫn diễn ra như vậy. “Năm 2022 là một năm đầy khó khăn, nên tôi muốn tạo hình một chú hổ con mũm mĩm, má phính, mắt híp, tràn đầy hạnh phúc với bông hoa sen trên tay. Nếu nhìn từ phía sau, chú hổ mang hình dáng như củ lạc, một thực phẩm quen thuộc, gắn bó với đời sống người Việt. Với tạo hình này, tôi cũng muốn mượn chữ “Lạc” - biểu tượng cho niềm vui - để gửi gắm vào tác phẩm “Nhâm Nhi Dần” - anh chia sẻ.

Qua từng năm, 2023 với tác phẩm “Đại Cat” (không phải là một chú mèo “khổng lồ” mà là một con cá chép lớn, loài vật luôn gắn liền với mèo), “Miu Cầu” (Lão mèo đang ngồi thiền, tay kết ấn, trên thân có mây lửa và trong lòng là vàng lá lửng lơ rơi trên cơ thể trong suốt). Năm 2024 với “5 con rồng” đủ trạng thái, biểu cảm của con người: Bình thản, hạnh phúc, ngủ, ngáp, làm dáng hay khóc nhè... cùng “Long’story” - Truyện của Rồng từ sự tích "Trăm trứng nở trăm con". Tất cả đều được Lamphong Studio thực hiện với niềm yêu, cảm hứng từ văn hóa dân gian Việt Nam cùng với những chất liệu truyền thống để tạo nên những hình tượng mới, kể câu chuyện Tết trong đời sống hiện đại.

Đón chào năm Ất Tỵ 2025 là “TY.”, cặp rắn được tạo hình cách điệu từ số “20” và “25” như một cách thể hiện sự gắn kết và nhiều lớp ý nghĩa từ văn hóa truyền thống rất thú vị. Họa sĩ Lê Huy chia sẻ: “Ngày Tết mọi người thường biếu, tặng nhau một cặp bánh chưng, một cặp giò... nên anh tạo hình “TY. - 2025” là một đôi rắn với ý nghĩa trọn vẹn, đủ đầy. Đồng thời, cặp rắn đan lồng, quấn quýt còn mang hình ảnh tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa dân gian, cho sự sinh sôi nảy nở, sự phát triển và thịnh vượng.

Nối dài đời sống cho văn hóa dân gian

Gần 10 năm miệt mài đưa các giá trị truyền thống vào hình ảnh những con giáp, họa sĩ Lê Huy luôn mong muốn truyền tải một thông điệp: “Đi đến cùng truyền thống sẽ bắt gặp hiện đại” (câu nói của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm). “Đi đến cùng của truyền thống” theo anh, không phải là rập khuôn truyền thống mà làm thế nào để truyền thống được kế thừa, tiếp biến và sống dài lâu trong đời sống đương đại. Hành trình 10 năm, qua những tạo hình, ấn phẩm, cách thực hiện, Lamphong Studio đã luôn thể hiện tinh thần ấy trong những sản phẩm hiện đại. “Những chất liệu dân gian khi kết hợp với thiết kế hiện đại sẽ mang bản sắc riêng và phản ánh rõ nét tinh thần Việt. Tôi mong muốn mang văn hóa truyền thống tiếp cận được nhiều người hơn để cùng nhau trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống” - họa sĩ chia sẻ.

Giữa thời đại công nghiệp, thứ gì cũng được đưa vào sản xuất hàng loạt, họa sĩ Lê Huy cùng các cộng sự vẫn kiên trì xác định con đường đi của mình là làm thủ công để những sản phẩm có thể giữ được những nét riêng, được dồn hết tâm huyết và chăm chút kỹ lưỡng nhất. May mắn là từ khi “Nhâm Nhi Dần” ra đời anh không còn làm một mình. Dự án của Lamphong Studio đã mở dần ra, Lamphong Studio trở thành một xưởng sáng tạo nghệ thuật mà ở đó anh cùng những cộng sự, các bạn sinh viên cùng làm việc, tìm hiểu, khai thác những giá trị truyền thống. Nhớ lại quãng thời gian vừa qua, anh luôn cảm thấy rất may mắn khi có các họa sĩ trẻ cùng đồng hành, được nhiều nghệ nhân và cả các nghệ sĩ hỗ trợ, giúp đỡ hết mình, được cộng đồng ghi nhận và ủng hộ bằng rất nhiều sự tin tưởng.

Tất cả những điều đó là động lực để Lamphong Studio tiếp tục cố gắng, tạo nên một xưởng sáng tạo mở, một sân chơi để mọi người có thể cùng nhau xây dựng cộng đồng những người làm sáng tạo những sản phẩm thủ công, lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian truyền thống.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục