Với niềm tự hào ấy, nhóm tác giả Nguyễn Việt Thanh (chủ biên) và các tác giả Nguyễn Văn Mạch, Nguyễn Thị Thanh Hải, Đinh Huyền Trang đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản cuốn: “Di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phát hành.
Cuốn sách gồm bốn phần: Phần một: Vài nét về tình hình, đặc điểm tỉnh Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Phần hai: Các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945. Phần ba: Các di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Phần bốn: Những địa điểm - di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Tuyên Quang năm 1961.
Trong đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với việc quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và củng cố các khu căn cứ địa cách mạng. Tháng 5/1945, Bác từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tuyên Quang và đã chọn Tân Trào (Sơn Dương), nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Sơn Dương trở thành Thủ đô Khu Giải phóng. Từ đây, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh dân tộc: Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào đã bầu ra
Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ Tân Trào, lệnh Tổng khởi nghĩa truyền đi, cả nước đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa, Tuyên Quang lại vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn là nơi ở và làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo đồng chí Tạ Quang Chiến, lão thành cách mạng, Bác Hồ đã có thời gian sống và làm việc tại Tuyên Quang tổng cộng gần 6 năm, trong đó chủ yếu là tại hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Người đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Trên nền tảng những di sản lịch sử, văn hóa vô giá của quê hương, trong mỗi bước đi lên hôm nay, Tuyên Quang vẫn luôn có hình bóng Bác soi đường, chỉ lối. Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã và đang đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu và giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như Bác kính yêu hằng mong ước.
Gửi phản hồi
In bài viết