Viết tử tế - Viết thật hay hoặc không viết

- “Âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc”. Con người không thể nghe, nhìn, ngửi, chạm, nếm được cảm xúc mà chỉ có thể cảm nhận. Chúng ta có thể yêu thích một ca khúc nào đó không chỉ vì giai điệu, ca từ mà còn bởi cảm giác mà bài hát đó mang lại. Có lúc nào đó bạn có thể chìm đắm vào bài hát như kể lại câu chuyện cuộc đời, thổn thức trong dư vị hỷ, nộ, ái, ố. Người nhạc sỹ vẫn còn được sống và được sáng tạo thì luôn phải chỉn chu, cống hiến để tạo nên thanh âm độc quyền riêng mình. Nghệ sỹ ưu tú Đinh Tiến Bình từng chia sẻ như vậy.

Nhạc sỹ Đinh Tiến Bình (bên trái) trao đổi sáng tác âm nhạc cùng đồng nghiệp.

Đinh Tiến Bình, sinh năm 1950, quê ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông bắt đầu công tác nghệ thuật từ năm 1971 ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như: Đoàn Ca Múa Hà Tuyên, Đoàn Ca Múa Kịch Tuyên Quang, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Cao Bằng. Ông nguyên là trưởng đoàn, nhạc sĩ chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hà Giang. Với cương vị lãnh đạo nghệ thuật, ông đã góp công xây dựng về nghệ thuật và tổ chức cho Đoàn trưởng thành qua các chương trình lớn. Tài năng của ông vượt trội khi thể hiện đa dạng ở các thể loại âm nhạc như: âm nhạc cổ điển, âm nhạc truyền thống, âm nhạc đại chúng. Với các ca khúc tạo nên tên tuổi của người nhạc sỹ tài hoa như: “Âm hưởng số 1”, “Âm hưởng số 2”, “Ký ức mùa thu”, 

“Độc tấu sáo và đàn khát vọng mùa xuân”, “Nhạc múa, nhạc cho kịch nói Đôi dòng sữa mẹ (kịch bản Lưu Quang Vũ)”, “Độc tấu sáo Mông - Khát vọng vùng cao”. Đây là những tác phẩm đoạt giải cao tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và đã được sử dụng trên sân khấu lớn của Trung ương, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

Thế nhưng khi nhắc đến Nghệ sỹ ưu tú Đinh Tiến Bình, người yêu nhạc vẫn luôn ấn tượng và nhớ đến nhiều tác phẩm sáng tác dựa trên chất liệu dân ca dân tộc miền núi. Là người Tày, ông hiểu và thấm sâu những giá trị văn hóa dân tộc mình. Trên mảnh đất quê hương, bầu đàn tròn của cây Tính Tẩu vẫn vang lên âm thanh giống như tiếng thở của mầm sống nghệ thuật lúc nào cũng căng tràn trong lồng ngực. “Hãy là khăn đội hãy là thắt lưng”, “Tiếng lượn cọi quê em” như thắp sáng lên tình yêu quê hương tha thiết.

Không chỉ viết về quê hương, trong quá trình sáng tác âm nhạc, Đinh Tiến Bình dành nhiều thời gian viết về Bác Hồ. Ông từng chia sẻ, theo cách riêng đồng bào vùng cao luôn thể hiện sự kính trọng và ghi nhớ công ơn Bác Hồ một cách mộc mạc, dung dị nhất. Vì lẽ đó, qua các tác phẩm của mình, Đinh Tiến Bình thường nói hộ tình cảm của đồng bào đối với vị Cha già dân tộc. Trong đó, phải kể đến những ca khúc như “Quê hương ơn Bác”, “Lời Bác còn ngân vang”, “Trọn niềm tin với Người”…

Với giai điệu rộn ràng tươi tắn, ca khúc “Tuyên Quang nhớ Bác” (thơ Lý Văn Binh, nhạc Đinh Tiến Bình) ra đời năm 2012 và đã nhanh chóng lan tỏa trong công chúng. Tác phẩm được thai nghén và viết trong thời gian ngắn chỉ vẻn vẹn vài ba tháng. Dựa trên điệu Then “ới la...” của dân tộc Tày với cách biến tấu linh hoạt, tác phẩm nhanh chóng tạo sức lan tỏa. Hiện, bài hát đã được phối khí, thu đĩa và đăng tải nhiều trang website nhạc chính thống.

Bài hát được viết bằng nhịp 2/4, âm hưởng uyển chuyển lúc rộn ràng lúc lắng đọng thể hiện cảm xúc thành kính của đồng bào miền núi Tuyên Quang dành cho người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Mở đầu bài hát nhịp điệu chậm rãi, từ tốn như một lời giãi bày, tự sự: “Ới la ngày Bác Hồ về quê ta đó, đất nước ta, Người xót xa sống cuộc đời lầm than kiếp nô lệ. Ới la... Đình Tân Trào, ngòi Thia, sông Đáy in dấu chân Người. Lán Nà Nưa vẫn còn đây ấm hơi Người”.

Ông vận dụng các làn điệu dân ca và nhịp điệu tính tang của cây đàn tính một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn, làm cho giai điệu, ca từ trở lên mượt mà, đằm thắm. Cộng thêm ca từ thật đẹp phù hợp với cách cảm cách nghĩ của đồng bào miền núi: “Ới la ngày Bác Hồ về quê ta đó, như giấc mơ người bước ra trong huyền thoại như ông tiên, ới la ới là.../Ới la... nay núi rừng còn thương còn nhớ, sông suối cây rừng thắm tình người hát muôn lời ca nhớ ơn người...”.

Nghệ sỹ ưu tú Đinh Tiến Bình đã sử dụng thủ pháp phát triển âm nhạc có tính kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyển màu âm. Đồng thời, cao độ, âm vực của bài hát luôn được thay đổi tạo nên những cung bậc cảm xúc, lúc lắng đọng, lúc cao trào. Điệp khúc: “Đời đời khắc ghi hình bóng Bác Hồ, và thủ đô xanh vọng mùa thu ấy... bừng nắng trên Ba Đình... ới la ới la lả ới là/Đời đời nhớ ơn tình sâu nghĩa nặng để ngày hôm nay một mùa xuân mới... Lòng sướng vui các dân tộc xây tượng đài Bác, đây quảng trường thiêng liêng Bác đứng, giữa đất trời hùng thiêng sông núi”.

Lời ca rất đỗi bình dị nhưng lại khắc vào lòng người những tình cảm da diết khôn nguôi dành cho vị Cha già của dân tộc. Đó như tâm tư, nguyện vọng, lời nhắn gửi tha thiết của người dân quê hương cách mạng muốn gửi gắm: mãi nhớ ơn Người, hình bóng Người vẫn  luôn hiện hữu, tỏa sáng để thế hệ hôm nay và mai sau phấn đấu học tập, rèn luyện và dựng xây quê hương.

Ca khúc khép lại, người nghe vẫn còn lắng đọng mãi âm thanh lúc rộn ràng lúc da diết. “Tuyên Quang nhớ ơn Bác Hồ” đã thể hiện tư duy sáng tạo và hành trình lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi của nhạc sỹ người Tày - Đinh Tiến Bình.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục