Khu Tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) được xây mới thu hút nhiều du khách tham quan bởi kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử to lớn.
Du lịch về nguồn là một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến những “địa chỉ đỏ” - di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, du khách không chỉ tham quan hay vui chơi mà còn là để mỗi người thành tâm tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Cũng chính vì thế mà du lịch về nguồn mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đưa gia đình cả 3 thế hệ đến tham quan tại Tân Trào (Sơn Dương), chị Lê Thanh Trúc, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình chị rất thích đi du lịch đến những nơi có các di tích hoặc địa chỉ lịch sử - văn hóa để dâng hương, tìm hiểu về vùng đất, con người, văn hóa của địa phương. Về với Tân Trào, chị rất xúc động khi được hiểu rõ hơn về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của các thế hệ cha ông. Đây là chuyến đi ý nghĩa nhất của gia đình trong năm nay.
Từ đầu năm đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón trên 600.000 lượt khách đến tham quan, tăng 150% so với năm 2021. Đặc biệt, trong những ngày tháng 8, khu di tích trở thành điểm về nguồn của rất đông du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc. Đáng mừng là không chỉ có khách nội địa mà thời gian gần đây lượng khách quốc tế đến Tân Trào cũng tăng đáng kể.
Bà Lê Thị Thu Hòa, Phó trưởng Phòng phụ trách nghiệp vụ du lịch, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh chia sẻ, du lịch lịch sử là thế mạnh, là “đặc sản” của Tân Trào, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến địa phương, góp phần cho sự phát triển của các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực... Để thu hút được du khách, đơn vị đã kết nối với gần 200 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành xây dựng hơn 15 tour du lịch trải nghiệm phù hợp với từng đoàn khách. Hành trình về nguồn tại Tân Trào giờ đây còn là địa điểm lý tưởng cho các cơ quan, đoàn thể, trường học dã ngoại, tổ chức teambuiding, báo công dâng Bác, tham quan trải nghiệm về cội nguồn cách mạng, khám phá nét văn hóa dân tộc. Hiện tại đơn vị đang quảng bá di sản hát Then để khách du lịch đến với Tuyên Quang được trải nghiệm bơi bè mảng, một nét văn hóa truyền thống của người Tày.
Học sinh trường Tiểu học Tân Trào (Sơn Dương) tổ chức lễ báo công dâng Bác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Để phát huy giá trị và đưa Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, với nhiều công trình đặc biêt quan trọng như: Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào và Phòng chiếu phim, Quảng trường Tân Trào... Dự án đi vào hoạt động sẽ trở thành một trong những điểm nhấn nổi bật trong tổng thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc gắn với khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.
Nếu như trước đây, tour du lịch về nguồn chủ yếu dành cho các cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ... thì những năm gần đây, loại hình du lịch này ngày càng thu hút giới trẻ. Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đến từ Thanh Hóa chia sẻ, trong chuyến đi tham quan vào tháng 7 vừa qua, em được đến “địa chỉ đỏ” ở Kim Bình (Chiêm Hóa), được xem chứng tích lịch sử còn lại và nghe hướng dẫn viên kể về chiến công hào hùng của cha ông, em đã rất xúc động. Đây cũng là dịp để em hiểu hơn về lịch sử dân tộc và thấy tự hào hơn về quê hương mình và thế hệ đi trước nên em càng trân trọng cuộc sống này hơn, phấn đấu rèn huyện, học tập tốt hơn.
Du khách tham quan tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa).
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, Tuyên Quang có 182 di tích đã được xếp hạng quốc gia và 259 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, có 2 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, có nhiều “địa chỉ đỏ” nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Khu di tích lịch sử Làng Ngòi - Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn), Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng, Khấu Lấu - Vực Hồ, Đồng Man - Lũng Tẩu... xã Tân Trào (Sơn Dương)...
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định: du lịch gắn với các di tích lịch sử luôn được địa phương chú trọng đưa vào định hướng chiến lược phát triển du lịch. Do đó, những năm gần đây, đơn vị đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát huy tiềm năng của các điểm di tích lịch sử, cách mạng, phát triển sản phẩm du lịch về nguồn như: kết nối và xây dựng tour du lịch về nguồn tập trung vào một số “địa chỉ đỏ” tại các huyện: Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn...; mời gọi các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch lữ hành, khảo sát, nghiên cứu các điểm du lịch về nguồn, kết nối du lịch về nguồn với các loại hình du lịch khác; phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các chương trình về nguồn, dâng hương, giao lưu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa trại tại các khu di tích.
Để du lịch về nguồn thêm sức hấp dẫn đối với du khách, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, cách mạng; huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, tập trung đầu tư thêm hạ tầng cơ sở cũng như tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về nguồn để các “địa chỉ đỏ” trở thành điểm đến hấp dẫn, cuốn hút du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết