Dịch COVID-19 đang tồi tệ nhất ở Indonesia

Dù thường xuyên đưa tin thiên tai, lũ lụt và các câu chuyện đau lòng khác nhưng nhà báo Richaldo Yoelianus Hariandja cho rằng chứng kiến các tác động đại dịch COVID-19 đối với Indonesia là "trải nghiệm nghề nghiệp" kinh hoàng nhất của anh.


Nhân viên xịt hóa chất sát khuẩn ở ngoại ô Jakarta (Indonesia) vào ngày 7-7-2021 - Ảnh: REUTERS

Richaldo hiện là nhà báo tự do tại Indonesia, cộng tác chủ yếu cho tờ Mongabay Indonesia, trang NewNaratif.com và tạp chí Infokomputer Magazine. Richaldo gửi Tuổi Trẻ bài viết từ Bogor (ở ngoại ô Jakarta) - tâm dịch COVID-19.

Chuyện bà Srie

Srie Murdadi, 58 tuổi, trông rất lo lắng. Khuôn mặt bà thể hiện rõ điều đó khi nghĩ đến người bạn thân Ani Widiyati. Họ mất liên lạc kể từ khi Ani có kết quả dương tính với virus corona gây bệnh COVID-19.

Ngày 7-7, bà Srie mới biết tin bạn mình, bà Ani, đang được chăm sóc ở nhà con gái. Với Srie, đây là lần đầu tiên bà đột ngột mất liên lạc với người bạn thân nhất. Hai tuần trước đó, họ vẫn trò chuyện cùng nhau trước cửa nhà và cả hai đều đeo khẩu trang.

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 tại Indonesia hiện nay, thói quen đi nhà thờ của Srie, một tín đồ Công giáo, cũng bị gián đoạn. 

Bây giờ, bà chỉ có thể dự lễ trực tuyến qua kênh YouTube của nhà thờ. Cuộc sống gia đình cũng chẳng khá hơn khi chồng bà, một thủy thủ, không được về nhà do không có các giấy tờ cần thiết để qua các trạm kiểm soát.

Những gì bà Srie trải qua là một trường hợp cụ thể trong hàng triệu người đã gặp vô số ảnh hưởng do đợt bùng phát COVID-19 ở xứ vạn đảo hiện nay. 

Ngoài đóng cửa các đền thờ, điểm sinh hoạt tôn giáo hoặc những nơi tập trung đông người, Chính phủ Indonesia còn hạn chế nhiều tuyến đường giao thông nhằm ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh.

Indonesia đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Ngày 7-7, quốc gia này đã ghi nhận kỷ lục kép khi cả số ca xác nhận dương tính và số ca tử vong đều cao nhất từ trước đến nay - 34.379 ca dương tính và 1.040 người tử vong. 

Sự gia tăng các trường hợp xác nhận dương tính xảy ra trong khoảng một tháng qua. Ở thời điểm ngày 18-5, chỉ có 3.518 trường hợp mắc mới được ghi nhận trong ngày.

Bệnh viện, nghĩa trang kín chỗ

Ảnh hưởng của sự tăng vọt về số ca nhiễm và tử vong thể hiện rõ ở các bệnh viện và nghĩa trang. Tại Jakarta, nơi có nhiều ca COVID-19 nhất ở Indonesia, 93% số giường bệnh đã kín chỗ trong ngày 6-7. Tương tự, 94% giường bệnh trong các phòng điều trị tích cực đã có người nằm.

Widyastuti, giám đốc Sở Y tế của tỉnh Jakarta, cho biết: "Điều này thật đáng sợ. Hằng ngày, chúng tôi đã cố tăng công suất giường bệnh nhưng vẫn không đủ vì số ca bệnh tăng rất cao".

Về các đám tang, Jakarta ghi nhận số người chết được chôn cất theo quy định dành cho các trường hợp nhiễm COVID-19 tăng tới 10 lần. 

Thứ bảy tuần trước (ngày 3-7), thủ đô Indonesia lập kỷ lục khi có đến 392 đám tang phải tiến hành theo thủ tục dành cho người tử vong do COVID-19. Một tháng trước đó, chỉ có 20 - 30 đám mỗi ngày.

Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin, cho biết yếu tố chính gây nên sự gia tăng đột biến các trường hợp COVID-19 ở Indonesia là do sự đi lại của người dân tăng lên trong nghỉ lễ Eid al-Fitr vào tháng 5 vừa qua. 

Đây là kỳ nghỉ lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan. Ở Indonesia, đi thăm họ hàng và gia đình ở các tỉnh khác trong dịp này là một truyền thống lớn.

Ông Maxi Rein Rondonuwu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc Bộ Y tế, xác nhận trong một cuộc họp trực tuyến ở Jakarta: "Trong và sau các kỳ nghỉ, các ca nhiễm luôn tăng lên. Lượng di chuyển lớn trong dịp này làm lây lan virus ra các khu vực khác bên ngoài Jakarta, vốn là nơi có nhiều ca COVID-19".

Sự xuất hiện của các biến thể đáng quan ngại từ nhiều quốc gia khác cũng góp phần làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia. Bộ Y tế Indonesia xác nhận 6 biến thể của virus corona là Alpha, Beta, Delta, Eta, Lota và Kappa đều có mặt ở Indonesia, trong đó biến thể Delta chiếm đại đa số.

Trông chờ vắc xin

Để đối phó với sự gia tăng của các ca bệnh COVID-19, Chính phủ Indonesia đã cho hạn chế hoạt động công cộng khẩn cấp. 

Chính sách này quy định các mức hạn chế khác nhau cho các địa điểm cụ thể như văn phòng, nơi thờ tự, trung tâm mua sắm, trường học và có các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc di chuyển bằng phương tiện công cộng hoặc phương tiện cá nhân như phải có giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Những hạn chế này áp dụng trên đảo Java và Bali - những khu vực có tỉ lệ lây nhiễm cao. Hạn chế sẽ kéo dài đến ngày 20-7, nhưng có thể được gia hạn nếu cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng khuyến khích đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin COVID-19. Tính đến ngày 7-7, có 34 triệu người Indonesia đã được tiêm liều đầu tiên và 14 triệu người đã tiêm liều thứ hai.

Chính phủ hy vọng chiến dịch tiêm phòng sẽ giúp Indonesia đạt được miễn dịch cộng đồng và đã đặt ra mục tiêu tiêm 1 triệu liều vắc xin mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan y tế mới tiêm được khoảng 800.000 liều vắc xin/ngày.

Chuyên gia về dịch tễ học Tri Yunis Miko Wahyono cho biết các biện pháp hạn chế được áp dụng quá muộn "nhưng muộn còn hơn không. Tôi đánh giá cao chính phủ trong nỗ lực tìm kiếm vắc xin", ông nói. Theo ông, Indonesia nên học hỏi từ bài học của Ấn Độ.

Theo Tuổi Trẻ Online

Tin cùng chuyên mục