Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga theo hình thức trực tuyến. Ảnh BNG
Ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh Nga và ASEAN là đối tác chiến lược tin cậy, đối thoại, hợp tác cùng nhau hướng tới tương lai, phối hợp ứng phó hiệu quả các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đầy bất ổn và phức tạp. Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết tiếp tục tham gia đóng góp tích cực trong các cơ chế do ASEAN chủ trì. Nhân dịp này, Nga bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác thiết thực giữa các cơ chế của ASEAN với các khuôn khổ như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Các Bộ trưởng khẳng định 2021 là dấu mốc trong quan hệ hai bên, kỷ niệm 30 năm ASEAN-Nga, hai bên nhất trí cần tạo sức bật mới trong quan hệ, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, vượt qua các thách thức do dịch bệnh gây ra và đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi, khẳng định vai trò quan trọng của quan hệ ASEAN-Nga trên bình diện hợp tác khu vực và quốc tế.
Trước tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hai bên khẳng định cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong đẩy lùi sự lây lan của các biến chủng nguy hiểm của dịch bệnh, phối hợp trong các nỗ lực khu vực và toàn cầu phân phối vaccine an toàn, hiệu quả và công bằng đến mọi người dân trong khu vực, triển khai tích cực các cam kết ứng phó COVID-19 đã nêu tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15 (11/2020). Nga khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, cung cấp bộ xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccine cho các nước ASEAN thời gian tới.
Các nước ASEAN nhất trí phối hợp chặt chẽ cùng Nga thúc đẩy thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với ASEAN, đóng góp thúc đẩy thương mại và liên kết khu vực. Các nước ASEAN ủng hộ đề xuất của Nga về tăng cường hợp tác du lịch và ra tuyên bố chung về chủ đề này tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16 vào cuối năm nay, góp phần vào nỗ lực phục hồi và tăng trưởng tại khu vực.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất ổn cùng với những thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, khẳng định cần tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao các cơ chế do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, đề cao chủ nghĩa đa phương, củng cố cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá quan hệ đối tác và hữu nghị giữa ASEAN và Nga trong hơn ba thập kỷ qua ngày càng vững chắc, đáng tin cậy. Bộ trưởng hoan nghênh Nga tăng cường hợp tác với ASEAN, khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Khẳng định với quan hệ song phương truyền thống đặc biệt Việt Nam - Nga, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam luôn ủng hộ hết mình đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nga phát triển lên tầm cao mới, hoan nghênh Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 và mở rộng sản xuất tại khu vực, đồng thời tranh thủ tiềm năng trao đổi du lịch to lớn của hai bên nhằm thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh.
Chia sẻ về những nỗ lực ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển ở khu vực của Nga và ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên cần không ngừng phối hợp xây dựng lòng tin, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đề cao luật pháp quốc tế, đánh giá cao Nga ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong tạo dựng văn hóa đối thoại trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, định hình và chia sẻ các chuẩn mực điều chỉnh quan hệ trách nhiệm và phù hợp luật pháp quốc tế giữa các quốc gia; khẳng định cam kết của ASEAN trong triển khai hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Gửi phản hồi
In bài viết