Cụ thể, Samsung - cái tên “nặng ký” của thế giới di động - thông báo không trưng bày trực tiếp mà chỉ “tham dự từ xa” nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho các khách hàng và nhân viên. Lấy làm tiếc về quyết định năm nay, phát ngôn viên của hãng điện tử Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng sẽ có thể tham dự trực tiếp trong sự kiện năm 2022.
Tương tự, một phát ngôn viên của Lenovo cho biết, hãng điện tử Trung Quốc cũng chọn cách “tham dự ảo” và xác nhận đã thông báo với Hiệp hội GSM (GSMA) - đơn vị tổ chức MWC - về quyết định này.
Trước đó, Google cũng đã tuyên bố sẽ không tham dự MWC 2021, trong khi Nokia, Ericsson, Sony, Oracle đều sẽ vắng mặt ở mọi sự kiện hội thảo và không trưng bày trực tiếp vì “những tác động liên tiếp của Covid-19 và mối quan tâm tới con người và sức khỏe của họ”.
Với chi phí tổ chức lên tới gần nửa tỷ USD (ước tính năm 2020), đem tới hơn 14.100 việc làm tạm thời, MWC luôn là trọng tâm hoạt động thường niên của ngành công nghiệp viễn thông và thiết bị di động thế giới.
Sự kiện do GSMA tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha) là dịp quan trọng để các nhà sản xuất tìm kiếm cơ hội hợp tác, công bố sản phẩm mới. Thông qua MWC, giới truyền thông cũng như người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt xu hướng phát triển của công nghệ di động, hạ tầng viễn thông... và nhiều thông tin hữu ích khác.
Tới nay, thông qua các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt như yêu cầu xuất trình chứng nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2 hay xét nghiệm bắt buộc sau mỗi 72 giờ, GSMA vẫn hy vọng có thể giữ đúng lịch trình tổ chức MWC 2021 theo hình thức trực tiếp từ ngày 28-6 đến ngày 1-7.
Tuy nhiên, giới chuyên môn quan ngại mong muốn này có thể sẽ lại thất bại theo cách tương tự như năm 2020, trong bối cảnh hàng loạt nhà sản xuất hàng đầu đều khẳng định sẽ không tham dự trực tiếp trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn cầu còn nhiều khó khăn.
Gửi phản hồi
In bài viết