Cần nơi gặp gỡ cho cung - cầu công nghệ
Nhận thức rõ thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, từ năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng “Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015”. Đến nay, việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ vẫn luôn được xác định là một trong những nội dung quan trọng.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Hà Nội vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố. Những nhà cung cấp hàng hóa, công nghệ (các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, cá nhân...) có ít kinh nghiệm trong việc chào bán sản phẩm khoa học và công nghệ, ít thông tin về nhu cầu của xã hội. Ngược lại, bên cầu cũng không có nhiều thông tin về nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ.
Còn theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, thì một trong 3 mục tiêu của chương trình này là “Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ trọng tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh” chưa đạt được. Vì thế, trong thời gian tới, Hà Nội cần thiết lập sàn giao dịch công nghệ để hình thành và định hướng thói quen giao dịch công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố và quốc gia.
Ông Hoàng Bá Tiến, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED) cho biết, VINASEED luôn có nhu cầu tiếp nhận công nghệ mới về giống cây trồng của các đơn vị nghiên cứu. Tuy nhiên, thời gian qua, việc trao đổi, mua bán chủ yếu diễn ra qua các đơn vị tư vấn hay một số nhà khoa học tự giới thiệu. “Chúng tôi vẫn chưa có một nơi để kết nối, chủ động tìm kiếm những sản phẩm mình cần. Bởi vậy, chúng tôi rất cần có một sàn giao dịch công nghệ để tiếp cận nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Hoàng Bá Tiến bày tỏ.
Vì vậy Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ rõ cần: “Tiếp tục ưu tiên phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đa dạng hóa, hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ, mua bán, nhượng quyền sử dụng...”. Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về việc “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Xây dựng sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới.
Nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, UBND thành phố đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xây dựng “Đề án xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội”. Mục tiêu của đề án là hình thành một tổ chức trung gian trên thị trường công nghệ của thành phố, có vai trò đầu mối cung cấp thông tin, xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có khả năng kết nối với tổ chức trung gian trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi nhu cầu giao dịch về công nghệ, thực hiện ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà thông tin, hiện dự thảo đề án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mô hình hoạt động của “sàn” gồm 2 hình thức: Vật lý và trực tuyến. Trong đó, sàn vật lý là nơi trưng bày các sản phẩm công nghệ, địa điểm gặp gỡ của các bên cung - cầu cũng như tổ chức hoạt động kết nối của thị trường công nghệ. Còn sàn trực tuyến hoạt động theo mô hình sàn thương mại điện tử chuyên về công nghệ - thiết bị, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới cũng như cơ sở dữ liệu về thiết bị khoa học và công nghệ.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, việc xây dựng sàn giao dịch công nghệ Hà Nội đã có đầy đủ cơ sở pháp lý. Đến nay, địa điểm, cơ sở vật chất cơ bản đã có và thành phố cũng sẽ đáp ứng kinh phí để xây dựng. Cái khó nhất hiện nay là vấn đề nhân sự và cơ chế đặc thù, sao cho sàn vận hành linh hoạt, chủ động.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, sàn giao dịch công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ Thủ đô. Song, đây là một mô hình hoàn toàn mới, những kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực này cả trong nước và thế giới không có nhiều, nên việc xây dựng đề án phải rất thận trọng để khi triển khai sẽ có hiệu quả, thúc đẩy được thị trường khoa học và công nghệ, đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết