Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Dinh, tổ 15, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) tất bật hơn bởi không những phải thống kê đơn đặt hàng bánh chưng mỗi ngày, chị còn trực tiếp lựa nguyên liệu, gói và luộc bánh để vừa lòng khách.
Chị Nguyễn Thị Dinh, tổ 15, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) thoăn thoắt gói bánh.
Chị Dinh vừa nói vừa thoăn thoắt đong gạo, đỗ, xếp nhân, gói bánh. Chị bảo, nghề gói bánh chưng của chị cũng rất ngẫu nhiên, chị đi nấu cỗ thuê cho các đám cưới, rồi thì nhiều đám có nhu cầu thay xôi bằng bánh chưng, chị nhận gói giúp. Gói cho 1 đám, 2 đám, khách hàng thấy đẹp, ngon rồi dặn dò đặt bánh. Tiếng lành đồn xa, cứ dịp Tết đến Xuân về lượng khách đặt lại càng tăng, chị Dinh gắn bó với nghề gói bánh chưng từ đó. Mỗi năm qua đi, lượng khách đặt bánh lại tăng hơn.
Theo lời chị Dinh, Tết Nguyên đán 2023, chị gói gần 1.000 chiếc bánh chưng các loại, tương đương với 1,2 tấn gạo nếp, chưa kể một lượng lớn đỗ, thịt lợn. Theo đơn đặt hàng từ ngày 23 tháng Chạp đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này lượng khách đặt tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái. Chị Dinh chia sẻ, để có chiếc bánh chưng ngon trong ngày Tết, khâu chuẩn bị rất quan trọng. Gạo nếp gói bánh chưng phải là nếp ngon nhất, ưu tiên số 1 là nếp cái hoa vàng, nguyên liệu gói bánh cũng được chọn lựa để làm sao bánh chưng để nửa tháng ăn vẫn thơm ngon.
Chị Dinh cho biết thêm, bánh chưng muốn ngon phải luộc bằng củi gộc, luộc tầm 12 tiếng là đủ rền ngon, bảo đảm không bị “lại gạo”, luộc ít hơn hay nhiều hơn bánh đều mất đi hương vị. Hơn nữa, khâu an toàn vệ sinh thực phẩm được chị Dinh đặt lên hàng đầu. Có lẽ vì thế mà bánh chưng của chị đã được Trung tâm thương mại Vincom Tuyên Quang ký kết tiêu thụ trong dịp Tết. Dù cả năm mới có 1 mùa làm bánh nhưng chị cũng duy trì cuộc sống cho cả gia đình.
Lò bánh chưng của bà Nguyễn Thị Hoa, tổ 11, phường Nông Tiến những ngày qua đêm ngày đỏ lửa. Hương vị bánh chưng lan tỏa khắp không gian. Bà Hoa cho biết, cơ sở của bà quanh năm cung cấp bánh cho thị trường. Vào những ngày thường, bánh được sản xuất với trọng lượng khoảng 400 - 500 gam/chiếc, giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng. Dịp Tết, lượng bánh cơ sở sản xuất ra không chỉ tăng gấp hàng chục lần so với ngày thường mà kích thước và chất lượng bánh cũng có sự điều chỉnh để phục vụ nhu cầu của từng khách hàng. Bà Hoa chia sẻ, gói bánh chưng ngày Tết cầu kỳ lắm. Gạo, đỗ xanh phải ngon nhất, thịt ba chỉ tươi, ướp tiêu xay. Lá gói bánh phải là lá dong nếp đang kỳ bánh tẻ, lá già sẽ giòn dễ rách và khó gói, lá non quá bánh sẽ không xanh. Lạt gói bánh cũng được tuyển từ những cây giang bánh tẻ, gióng dài, lột mỏng để dễ buộc bánh.
Theo bà Hoa, ngày thường chỉ một mình làm nhưng ngày Tết bà phải thuê thêm 3 - 4 lao động để làm các công đoạn phụ trợ như rửa, cắt, tước cuống lá dong; đãi gạo, đãi đỗ, ướp thịt hay trông bếp. Người chuẩn bị nguyên liệu, người gói bánh, người bắc bếp, mỗi người 1 tay mới cung cấp đủ bánh theo đơn đặt hàng.
Dưới bàn tay khéo léo thuần thục đến từng chi tiết của những người thợ như bà Hoa, chị Dinh, những xấp lá dong xanh rờn, thúng gạo nếp trắng phau, đỗ xanh vỡ hạt vàng tươi và những thau thịt được ướp gia vị thơm lừng cứ dần vơi đi để thành hình những hàng bánh đẹp đẽ, vuông vức và đều tăm tắp.
Chị Lê Thị Bình, tổ 15, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, 5 năm trở lại đây, chị không phải mất thời gian để gói bánh, cứ sát Tết là đến cơ sở gói bánh đặt 4 - 5 cái. Bánh đặt theo yêu cầu nên ngon không kém gì làm ở nhà mà lại tiện lợi. Kinh nghiệm của chị Bình là “tiền nào của nấy”, do nhu cầu của gia đình loại trung bình giá cũng trung bình, loại chất lượng giá có nhích hơn từ 10 - 20 nghìn/cái.
Dẫu mỗi năm chỉ có một mùa làm bánh chưng nhưng cũng đã tạo việc làm, mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho người lao động lúc nhàn rỗi. Nhưng hơn hết, nghề gói bánh chưng góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết