Người dân tại các khu dân cư thực hiện nghiêm quy ước treo cờ trong các dịp Lễ, Tết
Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2022, có trên 195 nghìn trong tổng số hơn 206 nghìn hộ gia đình đăng ký đạt gia đình văn hoá; 1.676 /1.727 khu dân cư đăng ký đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh có 73% thôn, bản, tổ dân phố đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung, ban hành thực hiện quy ước thôn, bản, tổ dân phố, còn lại đang sửa đổi, bổ sung quy ước, dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.
Những năm gần đây, tổ 8 phường Phan Thiết là một trong những điểm sáng của thành phố trong việc xây dựng và thực hiện hiệu quả quy ước tổ dân phố. Ông Phạm Văn Huệ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 8 cho biết: Tổ 8 được sáp nhập từ tổ 16 và tổ 17 phường Phan Thiết với 170 hộ dân, gần 700 nhân khẩu. Thực hiện lời dạy của Bác “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, thời gian qua, tổ dân phố 8 đặc biệt chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Người dân được biết, được họp bàn cụ thể, cùng xây dựng quy ước của tổ sát với thực tế, chứ không làm kiểu đối phó, chung chung, hình thức... Việc thu, chi các loại quỹ được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích; thanh, quyết toán công khai, minh bạch… Mọi việc, tổ dân phố và Ban công tác Mặt trận luôn thực hiện đúng theo những điều đã được nhân dân quy ước, thống nhất. Do vậy, đã tạo được sự tin cậy, gắn bó, đồng thuận của người dân trong triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại khu dân cư.
Tháng 5/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn đã ký kết chương trình phối hợp và ra mắt mô hình điểm “Tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống minh trong việc cưới, việc tang trong cộng đồng tín đồ Hội Thánh Hiệp Một, xã Hùng Lợi”. Là quản nhiệm của Hội Thánh, mục sư Hoàng Văn Chi cho biết: Cộng đồng Hội Thánh Hiệp Một hiện nay có 150 hộ, 600 nhân khẩu, đều là người Mông.
Người dân tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) thực hiện vệ sinh môi trường,
đảm bảo mỹ quan đô thịtrên địa bàn khu dân cư
Nếu trước đây, gia đình có người qua đời, con cháu phải mổ bò, mổ lợn để ông bà, bố mẹ mang đi làm vốn, rồi việc cả làng đến ăn uống tại đám hiếu đã tạo gánh nặng và những hệ lụy không nhỏ về kinh tế cho gia đình người mất thì nay, các đám hiếu chỉ làm cơm mời những người đến giúp đám, chứ không tổ chức ăn uống cho cả làng như trước. Cùng với đó, những nét đẹp văn hóa rất tiến bộ như không tổ chức quá nhiều lễ cúng, thay vì cúng giỗ cha mẹ sau khi mất, thì đồng bào tập trung chăm sóc cho ông bà, bố mẹ ngay khi còn sống. Điều này đã góp phần giảm thiểu các tập tục lạc hậu, tạo dựng khu dân cư văn hóa, đoàn kết…
Chị Ma Thị Anh, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư Nà Ngày, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) phấn khởi chia sẻ: Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo quy ước của thôn, môi trường sống của khu dân cư Nà Ngày đã lành mạnh hơn trước nhiều.
Trên tinh thần chu đáo, gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm; việc cưới, việc tang trong khu dân cư được phân công rõ nhiệm vụ cụ thể đến từng người, theo hướng phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình… Là người nhiệt tình, gương mẫu trong công việc của thôn bản, khu dân cư, gia đình chị Ma Thị Anh đã 5 năm liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa; khu dân cư Nà Ngày cũng đạt khu dân cư văn hóa 5 năm liên tục. 2 năm 2020 và 2021, 100% hộ gia đình trong thôn đạt gia đình văn hóa.
Có thể nói quy ước thôn, bản, tổ dân phố đã góp phần vận động nhân dân đoàn kết, tăng tính tự quản cộng đồng, hình thành môi trường sống lành mạnh, xây dựng khu dân cư văn hóa, an toàn. Quy ước đi vào cuộc sống không chỉ góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn mà còn là cơ sở để mọi người cùng chung sức xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết