Một cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi.
Đường đua hấp dẫn
“Đất rừng phương Nam” bản điện ảnh, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, là bộ phim thu hút được sự chú ý của công chúng thời điểm này. Có thể coi đây là bộ phim “quốc dân” vì cuốn tiểu thuyết gốc đã gắn liền với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, nhiều trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa. Năm 1997, tiểu thuyết được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Chính vì vậy, câu chuyện về hành trình tìm cha đầy chông gai và thú vị của cậu bé An, với những cuộc gặp gỡ người dân Nam Bộ hào sảng, chất phác và giàu lòng nghĩa hiệp… khiến ai cũng muốn thưởng thức trên màn ảnh rộng.
Phiên bản điện ảnh của tác phẩm này do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện, với sự tham gia của các diễn viên có sức hút như Trấn Thành, Hồng Ánh, Tuấn Trần, Tiến Luật, Hứa Vĩ Văn, Mai Tài Phến, Băng Di… hay gương mặt nhí Hạo Khang. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tâm sự, đây là bộ phim “màu cờ sắc áo” nên rất tâm huyết, từ khi hình thành đến khi phim ra mắt là hành trình hơn 6 năm.
Tạo sức hút không kém là bộ phim cổ trang “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ sẽ ra rạp từ ngày 3-11. Phim vừa có tính giật gân, vừa có yếu tố trinh thám, tâm linh, đồng thời khai thác sâu tâm lý, tình cảm, vốn là xu hướng hút khán giả trẻ hiện nay. Sự tham gia
của các gương mặt điện ảnh sáng giá như Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn… và những diễn viên kỳ cựu như Nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng, Nghệ sĩ ưu tú Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Nguyễn Anh Dũng, Quốc Huy… càng dễ kéo khán giả đến rạp.
Bước vào đường đua dịp này còn có phim kinh dị “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng và phim điện ảnh hoạt hình “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”, với câu chuyện về chú sói nhỏ quen thuộc với hàng triệu khán giả không chỉ ở Việt Nam. Tháng 11 và tháng 12 có sự xuất hiện của hai phim “Chiếm đoạt” của đạo diễn Thắng Vũ, với Miu Lê, Lãnh Thanh, Phương Anh Đào, Karik góp mặt và phim về đề tài ma cà rồng “Người mặt trời” của đạo diễn Timothy Linh Bùi, có Chi Pu, Thuận Nguyễn diễn…
Bên cạnh đó, bộ phim đậm chất Hà Nội “Đào, Phở và Piano” (Nghệ sĩ ưu tú Phi Tiến Sơn đạo diễn) và phim lịch sử về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm “Hồng Hà nữ sĩ” (Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Việt đạo diễn) do Nhà nước đặt hàng năm 2022 cũng đã hoàn thiện, chiếu ra mắt nhận được dư luận tốt, hứa hẹn ra rạp trong thời gian tới.
Giàu ý nghĩa, đậm tính thương mại
Có thể nói, hiếm phim Việt nào được đầu tư hoành tráng như “Đất rừng phương Nam”. Kinh phí làm phim hơn 100 tỷ đồng, quay tại 6 tỉnh, thành phố với 45 bối cảnh, hơn 4.000 diễn viên chính, phụ và quần chúng, cùng hàng nghìn người góp sức. Đến ngày 20-10, phim mới chính thức chiếu tại hệ thống rạp trên toàn quốc, nhưng đã có doanh số gần 4 tỷ đồng (theo đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam) trong các suất chiếu sớm (từ ngày 13 đến 15-10). Tương tự, phim “Người vợ cuối cùng” được đạo diễn “ăn khách” Victor Vũ đầu tư, chăm chút và dốc toàn bộ tâm lực không kém, tạo cơn sốt trên truyền thông ngay khi ra mắt.
Đặc biệt, các bộ phim này đều đề cao vẻ đẹp văn hóa, đời sống người Việt Nam. Nếu phim “Đất rừng phương Nam” đưa khán giả về miền Tây Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX thì phim “Người vợ cuối cùng” lại tái hiện không gian Bắc Bộ thế kỷ XIX. Trong buổi ra mắt bộ phim “Đất rừng phương Nam”, đồng sản xuất, diễn viên Trấn Thành chia sẻ, đây là bộ phim khơi dậy tình yêu thương giữa con người với con người và chứa đựng tinh thần kiên cường, bất khuất của người Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong khi đó, phim “Người vợ cuối cùng” khắc họa về những con người vượt lên định kiến và phân biệt giai cấp trong xã hội phong kiến. Đồng thời, theo đạo diễn Victor Vũ, phim tôn vinh, khai thác nét đặc sắc của văn hóa Việt. Phim “Đào, Phở và Piano” tái hiện trận chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946 để toát lên “tâm hồn Hà Nội” hào hoa, lãng mạn mà kiên cường, bất khuất. Ở bộ phim “Giao lộ 8675”, bên cạnh câu chuyện về sự lựa chọn con đường những người trẻ tuổi thì còn mang tham vọng quảng bá vẻ đẹp đất nước Việt Nam nên có nhiều cảnh quay mãn nhãn và ấn tượng…
Những bộ phim được “nhào nặn” bởi các đạo diễn tài ba, vừa truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, vừa có sức hút thị trường ra mắt dịp cuối năm này khiến cho giới điện ảnh Việt “thở phào”. Tuy số lượng không bằng những năm trước nhưng phim Việt năm nay nhiều bứt phá. Bởi có phim đạt doanh số kỷ lục, có phim đoạt giải thưởng quốc tế, có phim tài liệu và phim hoạt hình ra rạp, có phim đề tài lạ, có phim kéo được nhiều thế hệ đến rạp...
Gửi phản hồi
In bài viết