May mắn đến khi Cuộc thi “Designed by VietNam” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VietNam Design Week) đã có chủ đề phù hợp với mong ước bấy lâu của Tâm, đó là “Thiết kế từ những hạn chế”. Với ý tưởng độc đáo là thiết kế trang phục từ vải vụn, chỉ thừa, dự án của Tâm đã xuất sắc đoạt giải Nhất trong sự ủng hộ của Ban giám khảo và công chúng.
Bộ sưu tập Ratla Xuan của Nguyễn Khai Tâm.
Từ ý tưởng độc đáo
Đến với Cuộc thi “Designed by VietNam”, Nguyễn Khai Tâm gây ấn tượng với công chúng yêu thời trang ngay từ cái tên là lạ: “Ratla Xuan”. Thoạt nghe cứ ngỡ là tiếng nước ngoài, nhưng Tâm chia sẻ, đó là tiếng Việt không dấu, mang ý nghĩa: “Rất là xuân” bởi đây là một bộ sưu tập chứa đựng hình ảnh, màu sắc của mùa xuân với muôn hoa đua nở, tràn ngập sức sống của tuổi trẻ và tình yêu... Đặc biệt, khi ngắm nhìn những thiết kế đầy vẻ mềm mại, hài hòa đến từng chi tiết, không ai nghĩ rằng chúng được tái chế từ rác thải thời trang mà chúng ta vẫn bỏ quên hằng ngày.
Chủ đề cuộc thi năm nay là “Thiết kế từ những hạn chế”, nên Tâm đã dùng vải vụn, vải tồn, chỉ thừa, các vật liệu có sẵn được tích lũy dần từ các nhà may quen biết để tạo ra những mẫu thiết kế độc đáo, vừa giải quyết được nguyên vật liệu tồn vừa giải quyết được sự hạn chế về tài chính.
“Sau khi có đủ lượng vải vụn cần, tôi sẽ là phẳng, cắt lại để phù hợp với từng mẫu, sau đó tỉ mỉ khâu bằng tay hoặc ghép vải lại với nhau để làm điểm nhấn cho sản phẩm. Điều mà tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình chính là niềm tự hào dân tộc, sự kết hợp cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, tinh thần cổ kim hòa điệu. Tôi đã kết hợp áo dài và puffer jacket, áo dài nam và dungarees, những loại có vẻ không liên quan nhưng chúng lại tôn vinh nhau khi kết hợp. Bằng cách xử lý chất liệu, tôi cũng muốn nói với mọi người, những mảnh vải vụn sẽ phát huy tác dụng nếu bạn biết cách làm cho chúng đẹp và có giá trị” - Tâm chia sẻ.
Bộ sưu tập Ratla Xuan của Nguyễn Khai Tâm.
Là một trong sáu giám khảo, người hướng dẫn trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023, bà Vũ Thảo, nhà sáng lập KILOMET109 khẳng định, các sản phẩm thời trang của Tâm đã “giải quyết” được rác tổng hợp bằng phương pháp xử lý chất liệu mang tính tối ưu và có thẩm mỹ.
Muốn là người truyền cảm hứng
Ngành dệt may nói chung và ngành thời trang ở Việt Nam nói riêng đang phát triển mạnh. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội mà ngành này mang lại thì trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp thừa rất nhiều nguyên liệu đầu vào như vải đầu tấm, vải vụn hay những chiếc khuy hỏng, các loại khóa, chun… Một phần nguyên liệu thừa được các doanh nghiệp thời trang sử dụng cho các mã hàng sản xuất khác hoặc bán ra thị trường với giá rất rẻ. Đặc biệt, do khả năng tái sử dụng thấp nên đa số nguyên liệu thải này bị đổ chung với rác thải sinh hoạt và được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, gây ra mối nguy hại không nhỏ với môi trường.
Chính vì thế, việc tạo ra các tác phẩm từ nguyên liệu thừa của ngành may có giá trị rất lớn về mặt tinh thần và góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường sống. Đó cũng là mục đích ra đời của Cuộc thi “Thiết kế từ những hạn chế” năm nay. Với chủ đề này, Ban tổ chức muốn khuyến khích các sinh viên thiết kế, nhà thiết kế, nghệ nhân chế tác tìm cách tận dụng những vật liệu thân thuộc, thậm chí bị bỏ đi, từ đó tìm ra những điều tốt đẹp, những giá trị ẩn náu mà thoạt nhìn tưởng là vô tri. Trong cơn khủng hoảng tài nguyên toàn cầu như hiện nay, việc tái sử dụng nguyên vật liệu sẽ làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô để làm sản phẩm mới, kích thích sức sáng tạo để đưa ra các giải pháp kịp thời.
Bộ sưu tập Ratla Xuan của Nguyễn Khai Tâm.
Nguyễn Khai Tâm chia sẻ: “Tôi chọn thời trang bền vững bởi trong bối cảnh toàn thế giới đang cất lên tiếng nói chống biến đổi khí hậu, không có lý do gì giới thiết kế thời trang lại có thể đứng ngoài cuộc. Những người làm thiết kế sáng tạo như tôi cần phải chuyển mình để hướng tới những sản phẩm “xanh”. Xu hướng thời trang bền vững, thời trang tuần hoàn ở Việt Nam là một vùng đất rất mới có nhiều ngõ ngách để khai thác, và sự phát triển vượt bậc của nó trong những năm gần đây cho thấy đây là thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân ngày càng quan tâm đến việc “ăn chắc mặc bền” nên thời trang bền vững càng có cơ hội được chú ý và phát triển”.
Sau dự án “Ratla Xuan”, Tâm sẽ thành lập một nhãn hiệu thời trang nam streetwear (thời trang đường phố) theo hướng bền vững, góp thêm một tiếng nói bảo vệ môi trường. Tâm mong mình và các nhà thiết kế trẻ có thể góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường.
“Cho dù tôi biết hành động của mình có thể bé nhỏ, chưa giúp giải quyết được nhiều, nhưng đó sẽ là tín hiệu cho những sự thay đổi lớn hơn từ cộng đồng khi họ thấy được hiệu quả từ việc làm của các nhà thiết kế, để rồi cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm tái chế hơn, "phủ xanh" các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Bởi rõ ràng, khi làm ra một sản phẩm tái chế và lan tỏa đến mọi người xung quanh có nghĩa là bạn có chung tình yêu và khát vọng bảo vệ môi trường. Xa hơn, tái sử dụng cũng chính là sự tiếp nối nét văn hóa truyền thống của người Việt, đó là linh hoạt và tiết kiệm, điều đã được thể hiện qua những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc như “liệu cơm gắp mắm”, “cũ người mới ta” - Tâm chia sẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết