Cơ cấu lại thị trường nội địa
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, phát triển du lịch nội địa là cứu cánh cho toàn ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đây là điểm yếu khi phát triển du lịch nội địa.
Khẳng định du lịch nội địa là trọng tâm của ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, đây là thời điểm toàn ngành cần nhìn lại hướng đi, tìm cách tiếp cận mới, thay đổi phương pháp cũng như tư duy làm du lịch để tự cứu mình cũng như để làm sống lại thị trường du lịch. Du lịch Việt Nam cần chú trọng đến thị trường tiềm năng là 100 triệu người dân trong nước đang rất mong muốn đi du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
"Trước đây, du lịch Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường khách quốc tế, chưa quan tâm đến du lịch nội địa. Vì thế, lúc này, các địa phương, đơn vị cần cơ cấu lại thị trường nội địa, xác định rõ nhu cầu của du khách, đối tượng khách để xây dựng sản phẩm phù hợp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý.
Đánh giá xu hướng, nhu cầu của khách nội địa, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, triển lãm) đang được lựa chọn nhiều. Ngoài ra, du khách đang có xu hướng đi theo nhóm nhỏ và đặt các dịch vụ trực tuyến và đi bằng phương tiện cá nhân. Còn theo Trưởng ban Kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Quang Trung, hiện nay, khách hàng quan tâm nhất là vấn đề an toàn phòng dịch, thực hiện đặt các dịch vụ gần ngày hơn.
Liên kết, xây dựng sản phẩm khác biệt
Tại diễn đàn, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách nội địa, tăng hiệu quả cho hoạt động kích cầu du lịch, nhanh chóng phục hồi thị trường. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch TST Lại Minh Duy cho rằng, các địa phương và đơn vị lữ hành cần tập trung khai thác thế mạnh của du lịch golf, du lịch MICE, caravan (tự lái xe); nâng cấp các dịch vụ để khách có thể tự đặt trực tuyến các dịch vụ, thay vì đặt tour theo cách truyền thống trước đây.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, những địa phương có thế mạnh du lịch biển cần tăng cường liên kết để tạo sản phẩm hấp dẫn, phong phú đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho khách.
Một trong những giải pháp quan trọng được các đại biểu đặt ra, đó là đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các địa phương, các sản phẩm du lịch. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Lê Hương, các địa phương cần đưa ra những sản phẩm phù hợp, xây dựng sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, hấp dẫn, trong đó du lịch nông thôn là một điểm mạnh để khai thác.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch ẩm thực là tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch. Để phát huy thế mạnh này, ngoài việc phát triển du lịch ẩm thực đặc trưng của từng địa phương, cần có sự kết nối những địa phương có ẩm thực đặc sắc để hấp dẫn du khách.
Hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, trong đó tập trung cho dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, du lịch hè, từ đó tạo "đòn bẩy" để nhanh chóng phục hồi thị trường. Vấn đề cốt lõi hiện nay là làm thế nào để việc kích cầu du lịch được thực hiện bài bản và lâu dài. Chỉ đạo tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các địa phương, đơn vị cần đoàn kết, chung tay, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác để xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, phát triển du lịch bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết