Đặc sắc mùa lễ hội kích cầu du lịch
Lễ hội du lịch Ba Vì được tổ chức trong Khu du lịch sinh thái Thiên Sơn - Suối Ngà, có diện tích rộng 450ha với nhiều không gian cây xanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, đây là dịp quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch Ba Vì, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh trên địa bàn.
Khu vực chính của Lễ hội du lịch Ba Vì diễn ra trên đỉnh Ngọa Sơn với sân khấu nổi trên mặt hồ. Tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu Lê Khắc Nhu (Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì) cho biết, chương trình khai mạc Lễ hội du lịch Ba Vì sẽ có vở diễn nghệ thuật "Ba Vì âm vang một vùng danh thắng" được dàn dựng theo hình thức thực cảnh trên sân khấu nổi có diện tích 324m2 ở mặt hồ Ngọa Sơn. Vở diễn tái hiện nhiều câu chuyện về lịch sử hình thành của vùng đất Ba Vì, trong đó có những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, Dao.
Sắp đặt "Bàn tay chữa lành" là một trong những điểm check-in tại Lễ hội du lịch Ba Vì.
Với xu hướng du lịch thiên nhiên, bảo vệ môi trường, Lễ hội du lịch Ba Vì hướng du khách trải nghiệm nhiều không gian văn hóa được dàn dựng bằng chất liệu thiên nhiên từ mây, tre như: Con đường tre, sắp đặt nghệ thuật "Bàn tay chữa lành", không gian hoa hồng, hoa lan...
Trong lễ hội, du khách còn được thưởng thức liên hoan ẩm thực, trải nghiệm các sản phẩm du lịch trong vùng như: Tham quan du lịch Bản Cốc tại xã Minh Quang với "Chợ phiên Mường - Dao", trải nghiệm "Động băng tuyết" tại khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên.
Bên cạnh đó, du khách cũng được tham quan trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Thiên Sơn - Suối Ngà, vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Tản Đà, Khoang Xanh - Suối Tiên; thăm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn: Cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, chùa Tản Viên, K9 Đá Chông, đền thờ Bác Hồ...
Khai phá thế mạnh trọng điểm
Huyện Ba Vì được nhận định có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở khu vực ngoại thành Hà Nội với các hình thức: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (leo núi, trekking), du lịch chữa bệnh... Ba Vì có lợi thế là vùng bán sơn địa với sông nước, núi non, rừng già hòa quyện tạo thành những khu sinh thái tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, Ba Vì còn đậm dấu ấn ngàn năm lịch sử với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh; có sự đa dạng văn hóa các dân tộc Kinh và Mường, Dao; sở hữu khoảng 300 di tích lịch sử, văn hóa, những ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, như: Đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Thanh Lũng...
Mặc dù có nhiều lợi thế, song hiện nay du lịch Ba Vì vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense, đơn vị vừa có chuyến khảo sát du lịch Ba Vì, những khó khăn trong việc phát triển du lịch tại huyện này là do địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều. Ngoài ra, hệ thống giao thông của huyện chưa được cải thiện, nhiều cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, dịch vụ hạn chế...
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành Khu du lịch quốc gia, định hướng đến năm 2030. UBND huyện Ba Vì cũng đang xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch Ba Vì trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để phát huy tiềm năng du lịch Ba Vì, địa phương từng bước xây dựng sản phẩm du lịch mới, hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Minh Quang, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đồng bào dân tộc Mường, Dao... Ngoài ra, địa phương sẽ chú trọng phát triển du lịch xanh; đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường vào khu du lịch; đưa công nghệ thông tin, cung cấp mạng wifi miễn phí tại các điểm du lịch; kết nối với các đơn vị lữ hành để tăng các tour, tuyến đón khách đến các điểm tham quan.
"Lễ hội du lịch Ba Vì 2021 diễn ra tới đây là một trong những hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện quảng bá, kích cầu du lịch của huyện Ba Vì trong năm 2021, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho du lịch ngoại thành Hà Nội, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới", ông Nguyễn Đức Anh cho biết.
Gửi phản hồi
In bài viết