Điện về thắp sáng bản xa

- Sau gần 50 năm đến định cư, nuôi những giấc mơ đổi thay từ ánh đèn dầu leo lét, ánh điện phập phù kéo tạm, thì giờ, người dân thôn Sơn Thủy, Lục Khang, xã Yên Thuận (Hàm Yên) như vỡ òa khi nguồn điện lưới quốc gia đã về tới từng hộ gia đình. Điện về, thắp sáng ước mơ làm giàu của người dân nơi đây.

Giấc mơ... 50 năm

Nằm nép mình bên dòng chảy của sông Lô, giáp ranh với huyện Bắc Quang (Hà Giang), thôn Sơn Thủy, Lục Khang - như tên gọi của nó - đẹp như một bức tranh hữu tình. 

Năm 1973, hơn 20 hộ dân của vùng đất quê lúa Thái Bình đi theo chính sách khai hoang của Đảng và Nhà nước lên thôn Sơn Thủy và Lục Khang lập nghiệp, vỡ từng thửa đất hoang để đánh thức tiềm năng vùng đất này. Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết, thôn Sơn Thủy, Lục Khang có gần 200 hộ, với hơn 800 nhân khẩu, thuộc diện vùng sâu, vùng xa. Đất ở đây có nhiều đồi, núi thích hợp với trồng cây chè, nên người dân ở nơi đây đã tập trung phát triển cây chè, chính vì vậy tỷ lệ hộ nghèo ở 2 thôn này đều dưới 10%, kinh tế phát triển hơn các thôn khác trong xã.

Kinh tế tốt cũng nhờ cây chè đã bám rễ ở đây mấy thập kỷ, gắn bó với những người đầu tiên khai sơn, lập địa. Nhưng những người dân nơi đây chưa khi nào thôi đau đáu, mong mỏi có nguồn năng lượng thiết yếu cho cuộc sống, đó là điện lưới.

Trạm biến áp thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) được đầu tư xây dựng,
đáp ứng nhu cầu sử dụng điện an toàn cho người dân.

Ông Phạm Quang Khởi, Trưởng thôn Sơn Thủy tâm sự: “Vì quá khao khát điện để sinh hoạt và sản xuất, năm 1996 thấy trạm biến áp ở bên kia (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), 80 hộ dân trong thôn đã tự góp hơn 100 triệu để kéo đoạn dây điện trần dài hơn 5km, bắc qua sông về thôn. Thế nhưng, vì là dây trần, đường điện lại xa, bị hao tải nên vào những ngày mưa dông, sấm chớp, các thiết bị đồ điện rất dễ bị hỏng, có nhiều gia đình mua ti vi, tủ lạnh cũng chỉ để “làm cảnh” vì điện quá yếu không thể sử dụng được”.

Trong cái khó, nhiều hộ gia đình đã cố gắng khắc phục tình trạng điện “có như không” bằng cách sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời, dùng máy nổ để bơm nước, sử dụng quạt tích điện... Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời, không thể bền vững do hiệu quả thấp mà chi phí thì cao. Cuộc sống của người dân nơi đây trầy trật qua ngày dài, tháng đoạn...

Khai mở tiềm năng

Giữa tháng 6-2021, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho 2 thôn Sơn Thủy, Lục Khang. Đến nay công trình đã hoàn thành, đưa điện lưới quốc gia đến với mảnh đất này. 

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã lập phương án và báo cáo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho 2 thôn này, từ dự án cấp điện nông thôn, miền núi. Sau hơn 2 tháng thi công, dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, giao thông đi lại khó khăn, các vị trí dựng cột, trạm biến áp trên đồi núi, vật tư thiết bị đưa vào công trình phần lớn phải vận chuyển thủ công mất nhiều thời gian, nhưng công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm hơn dự định 12 ngày.

Với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, công trình có 5,2km đường dây 35kV, 6,113km đường dây 0,4kV, tổng công suất 300kVA, cấp điện cho 621 hộ dân. Thời gian tới, ngành Điện lực sẽ có các hoạt động tuyên truyền đến nhân dân các thôn để bà con tích cực phối hợp tốt cùng ngành điện trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo anh Đặng Văn Chiến, thôn Lục Khang, cho biết, trước đây chưa có điện, người dân hạn chế về thông tin do không có điện để sử dụng các thiết bị nghe, nhìn. Nay, có điện rồi thì người dân yên tâm mua sắm các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, rồi máy móc phục vụ sản xuất... để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống hơn, người dân các thôn xóm có điều kiện để phát triển kinh tế hơn.

Với vùng chè rộng trên 200ha, những năm trước đây khi chưa có điện, người dân ở nơi đây thu hoạch xong rồi bán chè tươi cho thương lái ở huyện Bắc Quang về sơ chế, nhiều hộ gia đình có ý định đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè cho bà con nhưng vì nguồn điện không đảm bảo nên không ai dám đầu tư, sản lượng chè tươi chủ yếu xuất bán cho các thương lái tới mua, hiệu quả kinh tế giảm hẳn. 

Ông Phạm Văn Bừng, thôn Sơn Thủy không giấu được niềm vui. Ông bảo, mỗi năm sản lượng chè búp tươi của gia đình ông trên 50 tấn, nhưng chỉ bán được sản phẩm thô với giá thấp, từ 2.500-3.000 đồng/kg cho thương lái. Tính ra, sau khi trừ chi phí chăm bón, thuốc bảo vệ thực vật... lời lãi chẳng còn là bao. Từ khi có điện, gia đình ông đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè, lắp hệ thống điện 3 pha và thành lập HTX Chè xanh Thuận Thủy với hơn 10 thành viên tham gia. Ông Bừng cho biết thêm, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên máy móc chế biến chè ông đã đặt mua chưa vận chuyển lên được. Từ nay, đến cuối năm, HTX sẽ đi vào sản xuất mẻ chè đầu tiên, cung cấp cho thị trường. Đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè ở vùng Sơn Thủy, để nâng cao giá trị và đời sống cho người dân ở nơi đây.

Niềm vui của người dân Sơn Thủy, Lục Khang khi được sử dụng điện lưới quốc gia cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên ngành trong quá trình đưa điện về với các bản làng vùng cao. Có điện rồi, đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con sẽ có nhiều thay đổi. Cùng với điện lưới quốc gia, những mô hình phát triển kinh tế, đó là cơ sở để người dân vùng cao từng bước xóa đi đói nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát triển đời sống.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục